(GLO)- Trong bối cảnh chỉ còn vài ba tháng nữa là khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, việc kỷ luật Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chứng tỏ, không hề có vùng cấm, không hề có chuyện chùn tay trong việc xử lý cán bộ sai phạm. Bởi lẽ, Đảng ta luôn xem kỷ luật là việc làm thường xuyên để làm sạch tổ chức của mình.
Ông Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Ngọc Thắng/nguồn TNO |
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã nhận kỷ luật cảnh cáo về những sai phạm trong thời kỳ còn là Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bản kết luận kỳ họp thứ 49 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy, khi còn trên cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Bình đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện một số nghị quyết, quy định, quyết định về hoạt động tín dụng ngân hàng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục. Sai phạm của ông Bình kéo theo nhiều cán bộ, đảng viên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo chủ chốt một số tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự.
Hầu hết cán bộ, đảng viên và nhân dân đều cho rằng, việc cảnh cáo ông Bình ở thời điểm này khẳng định công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên là việc làm thường xuyên, đúng quy định; kỷ luật Đảng là luôn đảm bảo công bằng, minh bạch với mọi người. Ai làm tốt thì được Đảng biểu dương, khen thưởng; làm chưa tốt thì nhắc nhở, phê bình; vi phạm sẽ phải xử lý nghiêm minh, kết luận rõ đến đâu xử lý đến đó, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ.
90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn lấy công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng làm khâu then chốt. Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta càng chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn tình trạng suy thoái về đạo đức, tư tưởng chính trị; hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở một số đảng viên giữ trọng trách trong bộ máy nhà nước vẫn xảy ra, làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Vì vậy, Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng khóa XI, khóa XII đều chỉ rõ: Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được thực hiện mạnh mẽ là: “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng”.
Bất cứ ai, nắm giữ chức vụ gì, đã có sai phạm là phải chịu trách nhiệm. Khi đã bị tổ chức phát hiện ra sai lầm thì dù đang ở cương vị nào, thậm chí là đã nghỉ hưu, cũng phải bị xử lý nghiêm minh theo kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó, một số người đã bị xử lý hình sự. Đây không phải là chuyện “bất bình thường” như luận điệu của một số phần tử xấu đang lung lạc dư luận trên mạng xã hội. Kỷ luật là để chấn chỉnh đội ngũ cán bộ lãnh đạo, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch hơn, vững mạnh hơn.
Kỷ luật Đảng không có chuyện “nặng” hay “nhẹ” mà là thể hiện sự “nghiêm minh” của tổ chức chính trị. Việc xử lý vi phạm là để cho người có khuyết điểm nhận ra sai lầm của mình, nếu chưa đến mức phải đưa ra pháp luật xử lý thì đây là cơ hội để họ sửa chữa, phấn đấu trở lại.
Kỷ luật Đảng như “rửa mặt mỗi ngày”. Có rửa mặt mỗi ngày thì khuôn mặt mới sạch, đôi mắt mới tinh. Đảng có kỷ luật nghiêm minh thì mới giữ được cơ thể mình sạch sẽ, khỏe mạnh, kháng được sự xâm hại của vi khuẩn xấu độc.
Nhiệm kỳ 2015-2020 sắp kết thúc với nhiều thành công trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Lòng tin của nhân dân vào Đảng cũng nhờ đó mà được củng cố, nhân lên. Mà có được lòng tin của dân là có tất cả. Là một Đảng cầm quyền, Đảng ta luôn ý thức được điều đó và chắc chắn sẽ tiếp tục làm tốt trong nhiệm kỳ tới.
ĐÌNH CƯƠNG