Siu Bình - Già làng uy tín

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hơn 10 năm qua, ông Siu Bình-già làng làng Sơn (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, Gia Lai) đã có nhiều đóng góp trong việc giúp người dân nâng cao nhận thức, tích cực chăm lo phát triển kinh tế gia đình và tham gia cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ đường biên, cột mốc.
Dù đã hẹn trước, song tranh thủ lúc chúng tôi chưa đến, ông Siu Bình dạo một vòng quanh làng để nhắc nhở một số gia đình làm hàng rào phía trước nhà và dọn dẹp vệ sinh quanh nhà, quanh ngõ. Ông bảo, năm 2018, làng Sơn được huyện Đức Cơ chọn làm điểm để xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên phải tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên để người dân hiểu, nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chung tay xây dựng nông thôn mới.
 Già làng Siu Bình (áo trắng) giúp người dân chỉnh lại hàng rào. Ảnh: A.H
Già làng Siu Bình (áo trắng) giúp người dân chỉnh lại hàng rào. Ảnh: A.H
Cùng với đó, ông cũng động viên bà con, nhất là những gia đình nghèo trong làng mạnh dạn học hỏi, áp dụng những cách làm hay, những mô hình kinh tế hiệu quả để cải thiện cuộc sống. Bằng kinh nghiệm thực tế (hiện ông Bình đang trồng 1 ha cà phê, hơn 2 ha cao su, 1 ha điều và chăn nuôi 4 con bò, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng), ông mạnh dạn hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật trồng trọt cho một số hộ dân trong làng. “Mưa dầm thấm lâu” và “cầm tay chỉ việc”  là hai cách làm mà suốt 10 năm qua ông đã áp dụng để từng bước giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực phát triển kinh tế gia đình. “Toàn làng có 195 hộ thì tới 85% hộ dân có người tham gia làm công nhân trong các đội sản xuất của Công ty 72; trong làng chỉ còn 12 hộ nghèo do thiếu đất sản xuất, đau yếu, bệnh tật, neo đơn...”-ông Siu Bình cho biết.
Đặc biệt, trong suốt những năm qua, ông luôn giải quyết “thấu tình đạt lý” các vụ việc, từ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn vợ chồng đến mất gà, mất heo... Mới đây, ông đã đứng ra hòa giải thành công vụ tranh chấp rẫy điều của hai gia đình: Siu Tuyn và Siu Oan. Ông kể, nhà Siu Tuyn và Siu Oan có rẫy điều liền kề nhưng không phân chia ranh giới rõ ràng nên cứ người này lấn sang của người kia và ngược lại, vì cả hai đều cho rằng đất của nhà mình đến vị trí đó. Sau khi nghe hai bên trình bày, ông đã nhẹ nhàng phân tích để hai gia đình hiểu rõ đất của mình tới đâu và không nên vì chuyện nhỏ mà ảnh hưởng đến tình đoàn kết... Đồng thời, ông cũng đề nghị hai gia đình kéo dây, đo lại diện tích và chia rõ ranh giới để không xảy ra tình trạng lấn chiếm sau này.
Bên cạnh đó, ông luôn nhắc nhở con cháu, người dân trong làng phải có trách nhiệm nêu cao tinh thần cảnh giác, không để kẻ xấu lôi kéo, kích động; chung sức bảo vệ phên giậu biên cương. Bản thân ông dù đang bước sang tuổi 70 song vẫn thường xuyên cùng tổ tự quản của xã tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Ông Siu Bình cho hay, hiện trong làng có khoảng 15 hộ dân có rẫy gần khu vực đường biên, cột mốc. do đó, ông luôn nhắc nhở các hộ dân không được xâm canh, xâm cư, không làm tổn hại đường biên, cột mốc và trong quá trình canh tác nếu phát hiện người lạ mặt thì báo ngay cho lực lượng chức năng... Riêng với một số hộ dân trong làng thường qua lại thăm thân bên làng Lâm (xã Pó Nhầy, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia), ông cũng nhắc nhở khi qua lại thăm thân phải được sự đồng ý của các cơ quan chức năng.
Không chỉ được nhân dân trong làng tin tưởng mà nhiều năm qua, ông Siu Bình luôn được các cấp, các ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận với nhiều giấy khen, bằng khen. Ông Rơ Lan Đức-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Nan-nhận xét: “Già Siu Bình là người rất có uy tín với bà con làng Sơn! Nhờ già Siu Bình thường xuyên tuyên truyền, vận động mà ý thức chấp hành pháp luật của người dân ngày một nâng cao. Các mâu thuẫn, bất hòa trong nhân dân được già giải quyết kịp thời nên người dân trong làng ngày một đoàn kết, gắn bó”.
Anh Huy

Có thể bạn quan tâm