Khi giải Vietnam Trail Marathon với 4.300 VĐV bị huỷ. Yến, chủ một homestay ở Mộc Châu cho biết: Tất cả các khách đã huỷ đặt phòng. “Ế mấy tạ (thịt) bò giờ không biết làm nào”.
Suối Yến chùa Hương vắng lặng vì dịch bệnh. Ảnh: Tùng Giang |
Buổi sáng ngày 28.1, Sài Gòn kẹt đường, H lỡ chuyến bay sớm ra Hà Nội. Cô “mất thêm cả đống tiền” để đổi vé. Vừa ra tới thủ đô, H nhận tin nhắn của bạn bè: Huỷ giải rồi.
Lúc đó là 3h chiều ngày 28.1, Vietnam Trail Marathon, giải chạy đường mòn với 4.300 VĐV dự kiến vào ngày 30.1 đã phải huỷ vào phút chót.
H, ngay sau đó lại mất “cả đống tiền” để đổi vé bay trở lại Sài Gòn với lời than: “Quá nhọ”.
Nhưng không chỉ H, không chỉ 4.300 VĐV, dân Mộc Châu những ngày sau đó cũng khốn khổ để xử lý “vận đen”. Yến, chủ một homestay cho biết: Tất cả các khách đã huỷ đặt phòng. “Ế mấy tạ (thịt) bò giờ không biết làm nào”.
Cái “vận đen” của Yến, của H khiến tôi nhớ lại câu trả lời của Dr Dẻo, nhà tổ chức giải Tràng An Marathon: “Mất đứt một cái xe Vinsfat ngài ạ!”.
Đó là thời điểm 12 năm ngoái. Khi “tất cả đã sẵn sàng”. Và Tràng An marathon bị huỷ vào phút chót khi dịch bệnh bùng phát.
Vừa xong, hôm qua, giải Tây Hồ Half Marathon dự kiến vào ngày 7.3 tiếp tục bị huỷ. Nhưng lần này, tôi không còn dám hỏi Dr Dẻo nữa.
Với sự bùng phát của COVID-19, các giải thể thao, các event, các lễ hội, các sự kiện tập trung đông người luôn là đối tượng bị tác động đầu tiên… do tính chất đông người.
Và những thiệt hại của nhà tổ chức, của những cá nhân, cả của kinh tế xã hội địa phương nữa không hề có trong những con số thống kê.
Ngày hôm nay, có 3 bản tin thế này: Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu năm nay đã hoãn. Zing, dẫn lời Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết việc hoãn là “nhằm đảm bảo an toàn (trước hết) cho người yêu thơ”.
Điện Biên cũng vừa thông báo không tổ chức Lễ hội Hoa Ban 2021 dù đây là lễ hội thường niên thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch vốn được xem là mũi nhọn của tỉnh.
Còn việc dừng các lễ hội ở Hà Nội cũng khiến thất thu “tiền tỉ”. Chùa Hương chẳng hạn, đã có thông báo đóng cửa. Theo tính toán của Báo Tiền Phong: Mỗi năm Chùa Hương đón khoảng 1,4 triệu khách, với mức chi tiêu bình quân 300 – 400 nghìn đồng mỗi người, trong đó đã bao gồm: Tiền đò, cáp treo, vé thắng cảnh, chi phí ăn uống. Như vậy, chùa Hương có tổng doanh thu khoảng 560 tỉ đồng mỗi dịp lễ hội.
Nhưng thiệt hại, dù ước lượng bằng “tiền tỉ” hay những thiệt hại không thể lượng hoá sẽ chẳng là gì nếu từ những sự kiện đông người đó, dịch bệnh lan truyền và bùng phát.
Đó chính là tinh thần không đánh đổi sức khoẻ người dân lấy kinh tế mà Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh.
Trong cái mất, không phải là không có cái được.
Hãy để ý sự chủ động trong việc hoãn huỷ sự kiện, đến câu chuyện của H, của Yến… Nó đang cho thấy một điều tích cực: Ý thức và sự tự giác trong việc chống dịch.
Họ chấp nhận, họ nhận lấy phần thua thiệt về mình, và chấp hành, không một lời phản đối.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/so-nho-van-den-va-chuyen-duoc-mat-881876.ldo
Theo Anh Đào (LĐO)