Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Sợ "thẳng lưng", chọn sống "gù" thì dạy được gì cho học sinh?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Câu “tiên học lễ, hậu học văn” mãi mãi là phương châm của ngành giáo dục. Ở đời hay ở các môi trường công việc đều thế, học làm người trước khi học bao thứ khác. Nghĩa là, học sống “thẳng lưng” trước thay vì phải “gù”…
 Cựu trưởng phòng khảo thí Diệp Thị Hồng Liên. Ảnh: X.An.
Cựu trưởng phòng khảo thí Diệp Thị Hồng Liên. Ảnh: X.An.
Câu phát ngôn “ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” của cựu Trưởng phòng khảo thí  Diệp Thị Hồng Liên tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 ở tỉnh Hòa Bình đã thực sự gây sốc dư luận trong hai ngày qua.
Chính vì không chịu sống “thẳng lưng” nên Liên mới phải xộ khám, ra tòa vì những sai phạm động trời cách đây hai năm.
Chính vì không chịu sống “thẳng lưng” cho nên mới có tới 15 bị cáo đa phần trong ngành giáo dục tại Hòa Bình mới phải đứng trước vành móng ngựa thay vì vị trí của họ có thể là trên bục giảng…
Câu phát ngôn ấy cho thấy một kiểu tư duy sẵn sàng từ bỏ cách sống “thẳng lưng” giữ gìn nhân cách làm người để sống “gù” lưng phạm tội vì những lợi lộc. Cái lợi trước mắt, nhưng bây giờ cũng đã phải trả giá trước pháp luật và cả về mặt dư luận xã hội. Cái lợi ngắn hạn nhưng tác hại vô lường đối với các bị cáo và những người thân của họ. Bởi do chính họ chứ không ai khác, đã không chịu học trọn vẹn bài học làm người “tiên học lễ”, hoặc trước các cám dỗ, lợi lộc nên đã từ bỏ bài học này.
Một người làm nghề giáo không dám sống “thẳng lưng” thì làm sao có thể dạy dỗ học trò bài học về làm người, làm một công dân tốt, làm những điều đúng pháp luật và có ích cho xã hội?
Tất nhiên, đây chỉ là phát ngôn, quan điểm của một cá nhân đơn lẻ chứ không đại diện cho tất cả những người làm nghề giáo, vốn luôn là một nghề cao quí “trồng” người. Nhưng qua đó, cũng thấy được một nỗi đau, là có một số người làm nghề giáo đã không thoát được các cám dỗ, các áp lực về lợi lộc và vật chất cho nên đã sa ngã. Kiểu như “ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”, sẽ thiệt thòi.     
Nếu bị cáo Liên và các bị cáo còn lại biết sống “thẳng lưng” và dám sống “thẳng lưng” thì họ đã không trở thành bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa.
Và bây giờ, đối mặt với các bản án, họ sẽ có rất nhiều thời gian sắp tới trong trại giam để suy ngẫm về những hành vi vi phạm mà mình đã làm, suy ngẫm về việc nên sống “thẳng lưng” và hậu quả của việc chọn lựa sai lầm sống “gù” lưng để tránh “khuyết tật”.
Nhưng trên hết, chính vì họ không chịu học hết bài học làm người “tiên học lễ” về rèn luyện nhân cách, cho nên bây giờ họ sẽ có nhiều thời gian “rảnh rỗi” hơn để học lại một lần nữa bài học này bên trong song sắt trại giam.
Theo THẾ LÂM (LĐO)

Có thể bạn quan tâm