Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1.1.2020, quy định mức xử phạt đủ sức răn đe đã khiến tai nạn giao thông giảm sâu trong năm qua.
Cảnh sát giao thông thực hiện kiểm tra nồng độ cồn với lái xe. Ảnh MH |
Sau một năm thực hiện, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được xem là “liều thuốc” để trị căn bệnh “nhờn” luật và ngăn chặn các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông. Từ đó đã tạo sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Cùng với đó, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông. Đáng chú ý, nghị định tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Cụ thể, đối với người điều khiển xe ôtô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Theo quy định, người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 6 đến 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng đối với người điều khiển xe môtô.
Cùng với đó, Nghị định 100 quy định người điều khiển xe đạp, xe thô sơ vi phạm như trên sẽ bị phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng...
Từ sau khi Nghị định 100 có hiệu lực và đi vào cuộc sống, những vi phạm về trật tự an toàn giao thông đã có chuyển biến tích cực, tạo được sự đồng thuận của dư luận xã hội, đã tạo ra được môi trường giao thông an toàn và lành mạnh. Trong đó, lực lượng Cảnh sát giao thông đã đóng một phần không nhỏ trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông.
Theo thống kê, năm 2020 cả nước để xảy ra 14.510 vụ tai nạn giao thông, đáng chú ý tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Đây là năm đầu tiên sau nhiều năm số người bị chết vì tai nạn giao thông giảm xuống dưới 7.000 người.
Kết quả này cho thấy việc xử lý vi phạm theo Nghị định 100 đã mang lại hiệu quả cao. Trong đó, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện và xử lý trên 170.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 1.337 trường hợp lái xe dương tính với ma tuý.
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) - Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết, những hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông như nồng độ cồn, chất kích thích có mức xử phạt tương đối cao đã tạo ra ý thức tự giác của người tham gia giao thông.
Tuy nhiên dù mức phạt rất nặng, nhưng nhiều đối tượng vẫn còn chủ quan coi thường tính mạng khi tham gia giao thông sau khi đã uống rượu bia, thậm chí nhiều đối tượng khi bị lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn đã không hợp tác, tìm mọi cách chống đối.
Đại diện Cục Cảnh sát Giao thông cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ Hội xuân 2021, dự báo tình trạng vi phạm về nồng độ cồn sẽ gia tăng nên lực lượng cảnh sát giao thông sẽ kiên quyết xử phạt tất cả các trường hợp, không có ngoại lệ.
Theo Minh Hạnh (LĐO)