Có lẽ xin được nói thêm rằng, chuyến đi này của tôi trong tư cách “người nhà”. Là bởi, chồng tôi-Đại tá Lê Quang Hồi cũng là người lính tại mặt trận Vị Xuyên. Rời mặt trận năm 1985, lúc cuộc chiến ở đây vẫn đang còn ác liệt, gần 40 năm đã qua, anh Hồi luôn canh cánh trong lòng những ân tình với những đồng đội đã cùng vào sinh ra tử, những người đã hóa đá giữa những núi đá tai mèo cheo leo nơi đây để anh có cuộc sống như ngày hôm nay. Tôi đã nghe anh kể nhiều, nhưng cũng không thể nào hình dung được sự khốc liệt của cuộc chiến, những gian khó mà người lính phải chịu đựng cho tới khi đặt chân đến nơi này.
Trời chiều âm u. Một cơn mưa nhẹ chạm áo khi chúng tôi vừa đến địa phận tỉnh Hà Giang. Nhìn sang ông xã, tôi nhận thấy vẻ bồi hồi, xúc động hiện rõ trên nét mặt anh. Trong vai trò của một hướng dẫn viên, anh Hồi liên tục giới thiệu với mọi người về những nơi mình từng đi qua. Chỗ này là suối Bạc, Phương Thiện-nơi anh dừng chân huấn luyện; căn nhà kia ngày trước là tiệm chụp ảnh-nơi anh đã cùng đồng chí, đồng đội trong đơn vị chụp những tấm ảnh trước khi vào mặt trận. Dưới chân núi, chỗ ruộng đất bằng phẳng là bản người Tày đã cho các anh trú chân, thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ rau quả để bộ đội có thêm những bữa cơm tươm tất; phía xa kia là bản người Mán giữa lưng chừng núi, người H’Mông trên đỉnh cao… Cứ như vậy, chúng tôi cuốn theo cùng lời kể trong sự xúc động của anh.
Một góc nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Ảnh: T.A |
Lễ vật dâng hương cho các anh hùng liệt sĩ được chúng tôi chuẩn bị chu đáo, tươm tất gồm bánh kẹo, hoa quả, hương trầm, rượu trắng… Anh Hồi còn cẩn thận mua thêm mấy gói thuốc lá, thuốc lào… bởi theo lời anh thì “những thứ này rất gần gũi với người lính”. Những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Hà Giang đón chúng tôi trong niềm vui mừng, tình nguyện dẫn đường đưa chúng tôi đến Đài tưởng niệm các liệt sĩ Vị Xuyên ở điểm cao 468. Con đường từ chân núi, qua hang Dơi rồi đến khu vực đài tưởng niệm quanh co, men theo vách núi đá tai mèo dựng đứng với độ dài khoảng hơn 2 km. Nơi này thưa vắng nhà cửa, trên đường, chúng tôi thoảng gặp vài người dân lên núi tìm hái rau rừng. Dừng chân nơi Đài tưởng niệm trang nghiêm, lặng lẽ, chúng tôi thành kính bày biện hoa tươi, lễ vật. Trong thoáng chốc, không gian đượm mùi trầm hương.
Tôi đã từng được nghe ông xã nhiều lần kể chuyện về những tháng ngày ở Vị Xuyên. Nhưng, phải đến hôm nay, khi có mặt ở chính nơi này, tôi mới có thể hình dung rõ nét về một cuộc chiến tranh biên giới ác liệt và chỉ có sự quả cảm, dám hy sinh quên mình mới giúp chúng ta giữ được vùng bờ cõi này.
Trên bức tường của Đài tưởng niệm là dòng chữ đã được một liệt sĩ của mặt trận Vị Xuyên khắc vào báng súng “Sống bám đá đánh giặc-Chết hóa đá bất tử”. Đó cũng chính là lời thề của những người lính năm xưa. Những ngọn núi đá, những điểm cao này, các anh đã từng phải đeo bám lên xuống bằng thang dây, phải uống nước từ trong hốc đá, phải ăn những con cá chuồn khô tẩm muối, rau muống vàng khô, họa hoằn lắm mới chút thịt hộp. Pháo địch thì không ngừng bắn, xen giữa những đợt pháo là tiếng loa kêu gọi để gây tâm lý hoang mang. Các anh đã gan dạ bám trụ để chiến đấu. Những người bị thương hay hy sinh được đồng đội đưa xuống bằng những thang dây. Dòng suối Thanh Thủy ngày nay vẫn hiền hòa lặng lẽ chảy giữa đôi bờ từng hòa biết bao dòng máu đỏ của các anh hùng liệt sĩ.
Cũng đã hơn 30 năm, những vết thương đã lành, những đỉnh núi đá mà cái thời chiến tranh ác liệt đó từng khắc ghi tội ác của quân thù như: 1509, 685, 673… đã phủ một màu xanh cây cối, các anh cũng đã ngủ yên trong lòng đất mẹ. Nhưng, Tổ quốc sẽ mãi ghi công ơn các anh-những người lính Vị Xuyên.
Đài tưởng niệm các liệt sĩ Vị Xuyên ở điểm cao 468. Ảnh: T.A |
Rời Đài tưởng niệm, chúng tôi đến dâng hương viếng các liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, nơi an nghỉ của 1.863 liệt sĩ và 1 ngôi mộ tập thể. Đây là “ngôi nhà chung” của các liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc và các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Rất nhiều cựu chiến binh từng chiến đấu ở đây đã đến để lại những tặng vật và những tình cảm chân thành trong sổ lưu niệm. Chúng tôi lặng lẽ thắp nén hương thơm, lau từng phần mộ.
Trong khói hương trầm man mác quyện trên những hàng mộ nối dài kế tiếp, ai cũng nghẹn ngào xúc động khi nghĩ về những năm tháng hào hùng xen lẫn đau thương, mất mát của cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc năm xưa. Bởi lẽ, với Vị Xuyên là: “Huân chương được đúc từ bụi đá/Đất biên cương thành trang ghi tội ác kẻ thù/Lịch sử mấy ngàn năm giữ nước/Đã thêm trang Vị Xuyên đánh cho quân xâm lược quay đầu/Nhìn trời Nam ngàn đời sau sợ Thăng Long đất Việt”. Và, trên chiến trường Vị Xuyên xưa, dòng nước Thanh Thủy vẫn mãi xanh...