Xã hội

Gia đình

Sống giản đơn, tiết kiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 1. Chả phải chỉ riêng mẹ tôi, mà cả thế hệ của mẹ ai cũng thường chép miệng bảo, thời xưa sống đơn giản vậy mà vui. Tôi cũng nghe đâu đó nhiều bạn trẻ truyền tai nhau câu: “Sống đơn giản cho đời thanh thản”. Cũng có thể là một cách gieo vần nhưng không phải không có lý.
Nhật là một quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới nhưng người Nhật lại nổi tiếng với cách sống giản đơn và tiết kiệm. Phải chăng, với tinh thần kỷ luật cao, khả năng lao động, cống hiến hết mình của mỗi người cộng với lối sống ấy đã tạo ra một nước Nhật hùng mạnh?
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Chị bạn tôi là một người như thế. Chị không hay mua sắm dù nhà có điều kiện, có khi còn bị bạn bè trêu chọc: “Sao có mỗi chiếc váy mà thấy mặc hoài vậy?”. Chị trả lời: “Của bền tại người”, đồ dùng, áo quần nếu được giữ gìn sẽ dùng được rất lâu. Hơn nữa, là người thực hành lối sống tiết kiệm, đơn giản nên việc trong tủ có vài bộ quần áo để “ăn chắc mặc bền” đối với chị là chuyện bình thường. Và khi không còn thích nữa, chị lại cùng con gói ghém, mang cho người khác khó khăn hơn, như vậy vừa có thể giúp nhà cửa gọn gàng, vừa dạy con chia sẻ với người khác.
Chị cũng quan niệm: Mua sắm nhiều thì sản xuất nhiều, thải ra môi trường nhiều. Vì vậy mà có người vào thăm nhà chị rất ngạc nhiên khi thấy nhà không trang trí cầu kỳ, sắm sửa nhiều nội thất. Nhiều thứ trong nhà chị đều là đồ tận dụng lại, cái lốp ô tô cũ thành cái xích đu của con khi cột thêm dây thừng, thùng giấy đựng máy giặt trở thành lâu đài nhỏ với vô số đồ đạc mà cậu bé tưởng tượng ra. Ở nhà bếp, sau khi ăn cơm xong, chị xả nước nóng lấy từ năng lượng mặt trời để rửa bát. Tiết kiệm nước rửa bát là chuyện nhỏ, chuyện mà chị quan tâm là thành phần của chất tẩy rửa sẽ làm ô nhiễm đất. Không chỉ vậy, chị còn dạy con mình ra khỏi phòng phải tắt điện ngay, khóa vòi nước sau khi rửa tay vì nước không phải là nguồn tài nguyên vô tận.
2. Tôi có một chị bạn khác cũng rất “lạ”. Là “lạ” so với lối sống, sinh hoạt hiện nay. Trong tiêu dùng, chị chỉ mua những thứ cần thiết và sử dụng hết công năng của nó. Khi đi chợ, chị vẫn có thói quen xách theo cái giỏ lác (vật đã trở thành ký ức của nhiều người), hôm siêng còn mang cả lá chuối để gói đồ. Có hôm người bán hàng cứ nài nỉ: “Em lấy thêm cái túi bóng này cho chắc chắn” nhưng chị lắc đầu với lý do: “Để bao ni lông phân hủy phải mất hàng trăm năm, gây “ô nhiễm trắng”, ô nhiễm đất”. Cái lý ấy của chị không phải ai cũng hiểu.
Tôi nghiệm ra rằng, sống đơn giản mang lại rất nhiều lợi ích. Trước hết, ta sẽ không mất nhiều thời gian để dọn dẹp nhà cửa, thu dọn đồ đạc; thời gian ấy ta có thể dành để đọc sách, giải trí, chăm sóc bản thân. Và nếu ít mua sắm, ta có thể tiết kiệm chi phí, không phải lâm vào tình trạng túng thiếu. Giảm mua sắm cũng sẽ góp phần bảo vệ môi trường vì hạn chế được lượng rác thải ra môi trường. Trong nhà ít đồ đạc sẽ có không gian để con cái thỏa sức chơi đùa, sáng tạo. Và khi bạn không bận lòng về tiền bạc, mua sắm thì suy nghĩ sẽ thoải mái, thỏa sức làm việc, sáng tạo.
Lối sống ấy có thể có đôi chút “ngược dòng” với xã hội tiêu dùng hiện nay. Tuy nhiên, nếu bạn thấy thoải mái khi sống đơn giản, sống thân thiện với môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững và truyền được nhiều năng lượng tích cực cho người khác thì sao không thử làm theo?
 THIỀU TÚ UYÊN

Có thể bạn quan tâm