Các khu chợ ở TP.HCM không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là minh chứng cho sự phát triển và thay đổi không ngừng của thành phố. Là trung tâm kinh tế sôi động, hiện đại bậc nhất cả nước nên chợ ở TP.HCM rất đa dạng và mang nhiều nét đặc trưng riêng.
Có khu chợ lâu đời, sầm uất, là biểu tượng của TP.HCM như chợ Bến Thành (Q.1). Chợ có kiến trúc đẹp, là niềm tự hào của người dân chợ Lớn như chợ Bình Tây (Q.6). Khu chợ mang đậm kiến trúc Pháp cùng đa dạng các mặt hàng như chợ Tân Định (Q.1). Đặc biệt, có khu chợ bán "vị quê hương", nơi mà những người di cư lưu giữ hồn cốt quê mình - chợ Bà Hoa (Q.Tân Bình)…
Trong chợ Bà Hoa ở TP.HCM, có nhiều tiểu thương đã gắn bó hàng thập kỷ với mảnh đất này. Họ rời quê hương vào miền Nam lập nghiệp, tìm cho mình cơ hội đổi đời. Để rồi sau bao năm tháng, thành phố này đã trở thành quê hương thứ hai, nơi họ muốn gắn bó bền chặt.
"Quyết định đúng đắn nhất trong đời"
Ghé chợ Bà Hoa vào một sớm đầu tuần, tôi ngỡ ngàng tưởng chừng mình vừa được trở về quê hương. Trong chợ, hầu hết các tiểu thương đều nói giọng miền Trung: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Trị… đều có đủ. Họ bán mấy món ăn thân quen như mì quảng, bánh đập, bún mắm nêm, các loại bánh lọc, bánh nậm, bún hến… Người miền Trung mà đến đây, chẳng khác nào được sà vào lòng quê hương mình.
Chợ Bà Hoa có bán đủ thứ đặc sản miền Trung |
Dạo một vòng quanh chợ, tôi tình cờ quen được bà Sáu (81 tuổi, quê ở H.Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), một tiểu thương đã gắn bó với chợ hơn 40 năm. Gian hàng bà bày biện mấy món đơn giản như sợi mì quảng tươi/khô, kẹo đậu phộng, đường cục, bánh tráng nướng… Những thức quà giản dị, đậm tình quê ấy được bà Sáu lấy mối ở tận Quảng Nam, vận chuyển vào TP.HCM bán.
Bà Sáu nhớ lại, những năm 1980, bà cùng chồng vào TP.HCM lập nghiệp với hai bàn tay trắng. May mắn có được "một chân buôn bán" trong chợ, vợ chồng bà cũng kiếm được đôi đồng để duy trì cuộc sống, nuôi con ăn học.
Bà kể: "Hồi đó, hai vợ chồng tôi chỉ có một sạp hàng nhỏ, bán từng cái bánh tráng, miếng kẹo đậu phộng để nuôi con. Trong khu này chủ yếu toàn người miền Trung, nhiều nhất là Quảng Nam. Thời trước, có giai đoạn, một luồng lớn dân di cư vào đây lánh nạn, mang theo nghề và đặc sản ở quê vào bán. Lâu dần tạo thành một cộng đồng người miền Trung khá lớn, duy trì cho đến tận bây giờ".
Bà Sáu đã bán ở chợ Bà Hoa hơn 40 năm |
Bà Sáu thuộc hàng "lão làng" ở chợ nên du khách đến tham quan hay tìm gặp để hỏi chuyện về lịch sử, gốc gác. Theo lời kể của bà, chợ Bà Hoa đã trải qua hai lần trùng tu, trước đây được lợp bằng gỗ nên dễ cháy, bây giờ bọc tôn nên an toàn hơn nhiều. Tiểu thương cũng nhờ đó mà buôn bán, làm ăn khấm khá hơn nữa.
Hơn 40 năm "bám" chợ, bà nói, bây giờ nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của bà. Nhờ buôn bán ở đây, bà và chồng đã nuôi 8 người con ăn học thành tài, có nhà cửa đàng hoàng, tử tế.
Khi nghĩ về những ngày tháng đã qua, bà Sáu tự hào nói tôi, vào TP.HCM sinh sống, lập nghiệp có lẽ là quyết định đúng đắn nhất trong đời của bà. Dẫu ngày đêm thương nhớ quê hương, bà vẫn thẳng thắn nói rằng: "TP.HCM được ông trời ưu ái nhiều, thời tiết thuận lợi, quanh năm không lo bão lũ. Ở quê thì bão lũ, sạt lở thường xuyên, có mấy đêm nằm nghe đài, tôi vừa thương lại vừa thấy mình may mắn. Vì ở thành phố làm ăn thuận lợi hơn, không lo đói khát, chỉ cần chịu khó là sống được ngay".
Bà Sáu bỏ mối mì quảng cho nhiều người ở chợ Bà Hoa |
Người phụ nữ bộc bạch, con người ở đây cũng sống yêu thương, chan hòa, dù là chốn phồn hoa nhưng người ta sống với nhau bằng cái nghĩa, cái tình.
Nhiều thập kỷ gắn bó, những tiểu thương như bà Sáu chính là nhân chứng sống, chứng kiến bao thay đổi của thành phố này. Có giai đoạn lúc mới mở, chợ bán rất đắt khách. Bà Sáu nói thời đó, bà bán không kịp tay, trung bình mỗi tuần sẽ lấy hàng một lần. Nhờ buôn bán, tích góp, bà và chồng gom được tiền mua nhà, cho con cái đi học, cũng tiết kiệm được chút đỉnh cho tuổi già.
Giờ đây, mỗi ngày bà Sáu ra chợ bán vì thương, vì nhớ. Niềm vui ở cái tuổi xế chiều, đơn giản là được gặp gỡ, giao lưu với những người đồng hương, nghe chút tiếng quê cho đỡ nhớ nhung. Bà cũng đã định bụng, sẽ gắn bó với TP.HCM cho đến ngày khuất bóng.
Xu xoa, kẹo lạc, mắm ruốc… thèm chi cũng có!
Vì là nơi buôn bán tổ hợp các món miền Trung, nơi này luôn là điểm dừng chân quen thuộc của những người con xa xứ. Tôi gặp anh Ngọc Thiệu (25 tuổi, quê Quảng Ngãi) khi đang lân la ở một hàng bán xu xoa. Đây là một món ăn đặc trưng của Quảng Ngãi. Nó được chế biến từ rau xu xoa, một loại rong biển mọc tự nhiên trên các mỏm đá ngoài biển, thường có từ tháng 12 đến tháng 5 âm lịch.
Sống ở TP.HCM nhiều năm, anh Thiệu bật mí mỗi tuần anh đều vượt 20 km từ TP.Thủ Đức đến chợ Bà Hoa để mua xu xoa.
Anh Dũng xem TP.HCM như quê hương thứ hai của mình |
"Từ ngày biết đến khu chợ này, mỗi lần thèm món quê hay nhớ nhà, tôi đều đến đây. Tôi là mối ruột ở chỗ anh Dũng xu xoa, quen mặt đến mức thân thiết như anh em một nhà", anh Thiệu nói.
Anh Dũng (quê Quảng Ngãi) là người bán xu xoa nổi tiếng nhất nhì chợ Bà Hoa. Người mua thương mến anh vì cái tính xởi lởi, hiền lành, chân chất. Mỗi ngày, anh đều dậy từ sớm để nấu, mỗi một phần xu xoa bán đi, anh đều mong người ăn sẽ cảm nhận được vị quê hương trong đó.
"Gắn bó hơn chục năm, tôi thấy mình cũng dần trở thành một phần trong cộng đồng dân cư thành phố này. Buôn gánh bán bưng mỗi ngày, những người xa quê như tôi chỉ mong đủ ăn, đủ mặc, cho con học hành đến nơi đến chốn. Được cái TP.HCM dễ sống, không phân biệt, ghét bỏ ai, dù có nói giọng miền nào cũng luôn được chào đón", anh Dũng cười, tay đưa hộp xu xoa lên giới thiệu với tôi.
Nhiều tiểu thương đã gắn bó với chợ Bà Hoa hơn nửa đời người |
Nhiều người như tôi, xa quê nên thèm đủ món ăn miền Trung, nhất là các loại mắm. Ở TP.HCM, muốn mua được một hủ mắm đúng vị, nhất định phải ghé chợ Bà Hoa.
Thấy một gian hàng trưng bày đủ loại mắm hấp dẫn, tôi ghé vào tranh thủ ngắm nghía. Chị chủ nghe giọng tôi là lập tức nhận đồng hương Quảng Trị, tay bắt mặt mừng.
Chị tên Hoa (34 tuổi, quê ở Quảng Trị) kể mình kế nghiệp quầy hàng này từ mẹ của mình. Mẹ chị theo chồng vào Nam từ thuở chưa con, đến khi mất thì để lại nơi này cho chị buôn bán.
Hiện nay, nhiều quầy hàng phía sâu trong chợ Bà Hoa đã đóng cửa hoặc dùng làm kho chứa hàng |
"Sinh ra ở TP.HCM nhưng tôi cũng không quên gốc gác. Khi ở nhà, tôi giao tiếp với người thân bằng giọng quê, ra chợ gặp khách thì tùy cơ ứng biến. Ai miền Trung mình nói giọng miền Trung, còn không thì nói giọng thành phố. Đôi khi gặp người nước ngoài, cũng học lỏm được mấy câu giới thiệu, báo giá để nói với người ta", chủ tiệm dí dỏm nói.
Chị Hoa tâm tư, bản thân luôn thấy biết ơn vì được sinh ra ở TP.HCM. Ở đây sinh sống, làm ăn thuận lợi, dù có thời điểm khó khăn như Covid-19 thì vẫn có thể vượt qua. Những người xa xứ đi tha phương cầu thực, cũng biết ơn vì giữa lòng thành phố có một nơi ấm áp, thân quen như quê nhà để họ dừng chân.
"Người miền Trung vào đây ở, muốn ăn món quê thì tới chợ này mà mua, thèm chi cũng có. Không chỉ đúng vị mà còn đúng giá, vì là người quen với nhau nên chưa nói thách bao giờ", chị khẳng định.
Theo Thái Thanh (TNO)