Phóng sự - Ký sự

Sống ở TP.HCM: Cơm chay 'treo' 28 Hoa Sữa, cho đi không mong nhận lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nép mình trên góc đường Hoa Sữa (Q.Phú Nhuận), tiệm cơm chay Thiên An mỗi ngày đều có một vài phần cơm chay 'treo' giản dị, ấm áp cho các bạn sinh viên, người lao động khó khăn.

Gọi là cơm chay "treo" vì chủ quán hay những người khách đến đây có thể tặng những suất cơm miễn phí cho ai cần đến. Với tâm nguyện mang đến những bữa cơm ấm lòng cho người khó khăn ở TP.HCM, chị Hà Thị Kim Thạnh (44 tuổi) đã phối hợp với chị Uyên Lê (43 tuổi) duy trì mô hình cơm "treo" này.

"Tôi từ Đà Nẵng vào TP.HCM lập nghiệp, thấy nơi đây quá đỗi ấm áp tình người. Cơ duyên gặp được người bạn tốt là chị Uyên, chúng tôi mong rằng mình cũng sẽ góp được chút sức nhỏ nào đó, trao tặng những phần cơm cho những ai đang cần đến. Bất kỳ ai cũng có thể đến nhận cơm chay treo chứ không phân biệt giàu nghèo", chị Thạnh bộc bạch.

"Cơm chay treo" cho những ai cần đến

10 giờ sáng, chị Thạnh đang tất bật dọn quán để mở cửa đón khách. Vào Nam sinh sống, chị nói mình "phải lòng" TP.HCM chính vì sự nhân ái của người dân nơi đây.

Tuy vội vàng, đông đúc là thế nhưng mỗi ngày đều có hàng trăm hội nhóm, cá nhân mang tặng thức ăn, nước uống, nhu yếu phẩm cho người vô gia cư, người lao động nghèo. Chính những điều đó đã phần nào truyền cảm hứng cho chị thực hiện mô hình cơm chay "treo" ở quán ăn của mình.

"Tôi yêu thích công việc làm thiện nguyện từ ngày trẻ. Ngày trước khi còn ở Đà Nẵng, tôi vẫn hay chia sẻ chi phí thuốc men với nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Bản thân không mấy dư giả nhưng khi nhìn ra thế giới bên ngoài lại thấy nhiều người cần đến mình giúp đỡ. Thế là tôi cố gắng giúp được bao nhiêu hay bấy nhiêu", chị Thạnh kể.

Tiệm cơm chay "treo" của chị Thạnh nằm ở số 28 Hoa Sữa, Q.Phú Nhuận
Tiệm cơm chay "treo" của chị Thạnh nằm ở số 28 Hoa Sữa, Q.Phú Nhuận

Chị Thạnh chia sẻ thêm, thời gian vừa qua khi xem tin tức trên mạng, thấy mô hình phở "treo" ở Hà Nội rất nhân văn nên chị cũng quyết định triển khai ở quán mình.

Vì chị Thạnh không thường xuyên sử dụng Facebook nên chị Uyên (người cho chị Thạnh thuê mặt bằng) đã hỗ trợ đăng bài lên hội nhóm "Bạn cần - Tôi tặng" để mọi người biết và đến nhận cơm.

Chị Uyên bộc bạch: "Chị Thạnh là người thiện tâm, tử tế nên tôi cũng hạnh phúc khi hai chị em được đồng hành cùng nhau làm thiện nguyện. Cơm chay treo ở quán là dành cho tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác. Có lẽ, ai trong cuộc đời cũng sẽ có lúc khốn khó hay gặp phải biến cố nào đó, khi ấy một bữa cơm ngon có thể tiếp thêm cho họ sức mạnh để chiến đấu, bước tiếp tới tương lai".

Chị Thạnh thích làm thiện nguyện từ ngày trẻ nhưng không muốn quá phô trương
Chị Thạnh thích làm thiện nguyện từ ngày trẻ nhưng không muốn quá phô trương

Ngoài hỗ trợ chị Thạnh chia sẻ thông tin về tiệm cơm chay "treo", chị Uyên còn thường xuyên tặng quần áo, đồ dùng gia đình cho mọi người trên nhóm "Bạn cần - Tôi tặng".

Cũng giống như chị Thạnh, chị Uyên luôn quan niệm rằng, được cho đi là một niềm hạnh phúc. Bản thân chị khi cho đi cũng không mưu cầu được nhận lại gì. Chỉ cần thấy người nhận mỉm cười khi ăn một phần cơm chay ngon hay một bạn sinh viên hào hứng với chiếc tủ quần áo cũ chị tặng, như vậy là đủ rồi.

"Làm thiện nguyện cần đúng người, đúng lúc"

Tính đến nay, tiệm cơm chay của chị Thạnh đã trao đi khoảng vài trăm phần cơm "treo". Với mỗi người đến ăn, chị bán cơm với mức giá 35.000 đồng, còn cơm "treo" thì khách tặng lại với giá 27.000 đồng.

Chị Thạnh nấu và bán đồ ăn chay đã nhiều năm. Toàn bộ các món cơm, bún, phở hay đồ khô trong quán đều do chị tự tay chế biến.

Người phụ nữ này tâm tình, mỗi ngày, chị và chồng dậy từ sớm để đi mua và chuẩn bị nguyên vật liệu, bảo đảm rau củ tươi mới, an toàn.

Nhiều năm buôn bán, chị khẳng định rằng muốn khách quay lại ủng hộ mình lâu dài thì chắc chắn phải đặt cái tâm vào món ăn. Hơn nữa, một mức giá phù hợp cũng sẽ giúp nhiều người được ăn một bữa cơm ngon, an toàn, tốt cho sức khỏe.

Một vị khách quen đến quán nhận cơm chay "treo" mỗi ngày
Một vị khách quen đến quán nhận cơm chay "treo" mỗi ngày

Với chị Thạnh, làm thiện nguyện cũng cần đúng người, đúng lúc.

"Tôi nghĩ, mô hình cơm chay 'treo' có nhiều điều hay. Những ai thật sự cần thì họ có thể đến dùng, ăn bao nhiêu thì tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người. Mặc dù là phần cơm 0 đồng, nhưng tất cả khách tới quán chúng tôi đều mời vào bàn ngồi và phục vụ suất ăn như bình thường. Ai có mong muốn đem về thì chúng tôi sẽ chuẩn bị. Hiện nay, những hội nhóm thiện nguyện khá nhiều, đôi khi mình đem đi phát dọc đường nhiều quá thành ra lại lãng phí thức ăn", chị Thạnh nói.

Chị Trần Thị Mai (24 tuổi, ở Q.Phú Nhuận) là người từng nhận cơm chay "treo" ở quán bày tỏ, cơm chay chị Thạnh nấu rất ngon, vừa vị. Mọi người lại ấm áp, thân thiện vô cùng.

"Tôi rất biết ơn vì mình được sống ở TP.HCM tử tế, gặp được những người tốt như chị Thạnh, chị Uyên. Vừa mới ra trường, công việc chưa ổn định, một phần cơm chay "treo" có thể giúp tôi tiết kiệm thêm một chút để gửi về cho gia đình hay chuẩn bị cho tương lai. Mong rằng mai này, sẽ ngày càng có nhiều tiệm cơm chay ý nghĩa như thế", chị Mai nói.

Thức ăn trong quán cơm chay đều do chính tay chị Thạnh chuẩn bị
Thức ăn trong quán cơm chay đều do chính tay chị Thạnh chuẩn bị

Nguyện vọng của chị Thạnh là có thể duy trì mô hình cơm chay "treo" lâu dài trong tương lai. Có những hôm không có phần cơm "treo", quán vẫn sẵn sàng tặng cơm nếu có ai đến hỏi.

Chị Uyên cũng khẳng định rằng, chị sẽ cố hết sức để lan tỏa mô hình cơm chay "treo" này đến với cộng đồng. Đồng thời hỗ trợ cho chị Thạnh để thời gian tới, quán sẽ có thêm nhiều phần cơm "treo" ý nghĩa cho mọi người.

"Có những vị khách đặc biệt đến thường xuyên, chúng tôi dần xem như người trong gia đình. Chồng tôi còn biết cả sở thích của họ, có ăn được rau hay không hoặc món nào người ta thích thì bỏ nhiều hơn một chút. Niềm hạnh phúc của chúng tôi đơn giản chỉ như vậy thôi", bà chủ tiệm cơm chay nói.

Theo Thái Thanh (TNO)

Có thể bạn quan tâm