Thời sự - Bình luận

Stop thủy điện nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bộ Công Thương đề nghị tạm dừng xây mới tất cả các thuỷ điện nhỏ chưa đầu tư, kể cả đã có trong quy hoạch. Nhưng việc dừng hay không thì lại do địa phương quyết định.

 Thuỷ điện Rào Trăng 3 - nơi vừa xảy ra sự cố sạt lở do ảnh hưởng của mưa lũ. Ảnh: TTXVN
Thuỷ điện Rào Trăng 3 - nơi vừa xảy ra sự cố sạt lở do ảnh hưởng của mưa lũ. Ảnh: TTXVN


Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có văn bản đề nghị tạm dừng xây mới các dự án thủy điện nhỏ chưa đầu tư, kể cả đã có trong quy hoạch.

Theo đó, các dự án này sẽ chỉ triển khai sau khi có kết quả đánh giá đảm bảo: Không tác động lớn, tiêu cực đến môi trường; Không ảnh hưởng lớn đến dân cư; Không chiếm dụng đất rừng tự nhiên; Và có hiệu quả kinh tế.

Văn bản cũng đề nghị “chưa xem xét, nghiên cứu để đề xuất bổ sung vào quy hoạch đối với các dự án thủy điện có quy mô công suất nhỏ hơn 10 MW”.

Nhưng hãy lưu ý. Đây là một công văn đề nghị. Còn việc dừng hay không thì lại tuỳ thuộc vào địa phương do các quy định phân cấp về quy hoạch và cấp phép thuỷ điện nhỏ.

Năm 2013, sau các cuộc tranh luận gay gắt về thuỷ điện, Quốc hội đã có nghị quyết 62 yêu cầu đưa ra khỏi quy hoạch hơn 400 dự án thuỷ điện; không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án thủy điện nhỏ.

Nhưng thực tế thì sao?

Thực tế thì có những địa phương “vô địch về thuỷ điện” với 46 dự án vây hãm tất cả các con sông.

Thực tế thì có những đoạn sông chỉ 15km như sông Chu (Thanh Hóa) hay sông Bồ (Thừa Thiên - Huế) có tới 3 cái thuỷ điện “cóc”.

Thực tế thì thuỷ điện nhỏ vẫn ồ ạt khắp nơi.

Tại sao Quốc hội có nghị quyết mà vẫn loạn thuỷ điện như vậy?

TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều phối Mạng lưới sông ngòi VN trên báo chí từng thẳng thắn: Nguyên nhân của việc cấp phép ồ ạt dự án thủy điện nhỏ một phần do quy trình bổ sung dự án mới vào quy hoạch khá dễ dàng. Chỉ cần thấy có tiềm năng làm dự án là họ bằng mọi cách vận động địa phương bổ sung vào quy hoạch. Dường như các thủy điện nhỏ và vừa đang được làm bằng mọi giá, nhà đầu tư chỉ cố đặt cho được tuốc bin phát điện trên sông suối để thu tiền.

Đề nghị tạm dừng xây mới các thuỷ điện nhỏ là một nỗ lực rất lớn của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trong việc thực hiện cam kết sẽ loại trừ, không cho phép thực hiện bất kỳ một dự án thuỷ điện nào nếu sử dụng 1m2 đất rừng tự nhiên. Tuy nhiên, để văn bản này không rơi vào tình trạng như Nghị quyết 62 thì nó cần được pháp lý hoá bằng một văn bản chỉ đạo cấp Chính phủ.

Bởi đâu có gì đảm bảo là sau văn bản này các địa phương sẽ không để các nhà đầu tư chặn dòng thu tiền?

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/stop-thuy-dien-nho-866076.ldo

Theo ĐÀO TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm