Thời sự - Sự kiện

“Sự khó đoán” của ông Trump có thể là chìa khóa giải quyết xung đột Nga- Ukraine

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cựu lãnh đạo NATO Anders Fogh Rasmussen hôm 7/11 nói “sự khó đoán” của ông Trump có thể là “chìa khóa” chấm dứt xung đột Nga – Ukraine. Ông Rasmussen đề cập cá tính mạnh mẽ, nhanh nhẹn sau khi chứng kiến ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5/11.

ong-andres-fogh-rasmussen-anh-afp.jpg
Ông Andres Fogh Rasmussen. Ảnh: AFP

“Chúng ta có thể kết hợp sự khó đoán với ý chí chiến thắng của ông Trump để tạo ra một công thức mạnh mẽ giúp thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Ukraine”, ông Rasmussen nói, ám chỉ việc ông Trump nếu thực sự muốn sớm khôi phục hòa bình thì ông chắc chắn sẽ làm được, giống như cách ông Trump chiến thắng bầu cử.

Cựu lãnh đạo NATO tin ông Trump có thể thuyết phục Nga ngừng giao tranh ở Ukraine. Mặt khác, tiếng nói của ông Trump cũng có trọng lượng trong việc buộc Ukraine phải thay đổi công thức hòa bình, nghĩa là có thể chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ với Nga.

Trước khi chiến thắng bầu cử, ông Trump từng tuyên bố có thể nhanh chóng chấm dứt xung đột Nga – Ukraine.

Ông Rasmussen thừa nhận khả năng ông Trump sẽ chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraine một khi chính thức trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025. Nhưng ông ông Trump sẽ không ép Ukraine đồng ý với một thỏa thuận không công bằng.

“Nếu buộc Ukraine ký thỏa thuận bất lợi thì điều đó cũng không tốt cho danh tiếng của ông Trump”, ông Rasmussen nhận định.

Ông Trump nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine “trong 24 giờ” nếu được bầu, thậm chí có thể là trước khi chính thức nhậm chức vào tháng 1-2025.

Bình luận về việc ông Trump hứa sẽ kết thúc chiến tranh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 7/11 nói “tất nhiên, những luận điểm đó phải được thực hiện bằng hành động cụ thể”, kênh truyền hình Russia 24 TV đưa tin.

Theo CNN, những người được Trump lựa chọn vào các vị trí an ninh quốc gia quan trọng sẽ quyết định lớn đến chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là đối với Ukraine.

Giám đốc cấp cao của Trung tâm Âu-Á thuộc Hội đồng Đại Tây Dương Herbst, cho biết: “Khó có thể dự đoán chính sách của Trump đối với cuộc xung đột ở Ukraine vì đội ngũ của ông bao gồm những người có quan điểm rất khác nhau. Một nhóm chủ trương giảm mạnh viện trợ cho Ukraine – quan điểm mà nhiều người liên hệ với Trump”(…)“Nhóm còn lại nhận thức rõ mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ ở châu Âu và các nơi khác nếu Washington từ bỏ Ukraine”.

Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga, ông Zyuganov mới đây cho rằng, mặc dù ông Trump đã hứa sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine nhưng điều này sẽ rất khó xảy ra. Tuy nhiên điều đáng nói là ông Trump đã sẵn sàng đàm phán.

Ông Zyuganov cũng cho rằng, trước mắt, nước Nga cần theo đuổi chính sách kinh tế và tài chính khôn ngoan hơn, củng cố mọi vấn đề liên quan đến khoa học và giáo dục, tăng cường an ninh nội bộ, mở rộng khả năng trong khuôn khổ BRICS và thực hiện tuyên bố đã được thông qua ở Kazan. Đây là cơ sở để Tổng thống Nga Putin đối thoại với ông Trump.

Ông Trump tin tưởng cả Moscow và Kiev đều “muốn giữ thể diện, họ muốn có một lối thoát”. Ông Trump cũng tin rằng người Ukraine ở các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát sẽ “ổn” khi trở thành một phần của Nga.

Vào tháng 7, Politico đưa tin, ông Trump cân nhắc khả năng đạt thỏa thuận với Nga về việc Ukraine và Gruzia không gia nhập NATO.

Tháng 9, phó tướng của ông Trump, ông JD Vance từng phác thảo ý tưởng đóng xung đột bằng cách thành lập khu phi quân sự và để Ukraine nằm ngoài NATO.

Brian Taylor, giáo sư chuyên nghiên cứu về Nga tại Đại học Syracuse, tỏ ra nghi ngờ ông Trump có thể thành công trong việc dàn xếp đàm phán hòa bình, vì cả Nga và Ukraine vẫn kiên quyết giữ lập trường trái ngược trong các vấn đề chính, bao gồm việc Ukraine gia nhập NATO và các vùng lãnh thổ miền Đông Ukraine.

Có thể bạn quan tâm