Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Sự thật trong những lời phi lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là điều độc giả cảm nhận khi đọc bài thơ “Đồng dao cho người lớn” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Bài thơ đồng thời cũng được tác giả lấy làm tên cho cả tập thơ của mình, do Nhà Xuất bản Văn học ấn hành.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (Ảnh: Hoàng Thu Phố/TTO)
Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
Có con người sống mà như qua đời
Có câu trả lời biến thành câu hỏi
Có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới
Có cha có mẹ có trẻ mồ côi
Có ông trăng tròn nào phải mâm xôi
Có cả đất trời mà không nhà ở
Có vui nho nhỏ có buồn mênh mông
Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
Mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
Có thương có nhớ có khóc có cười
Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi.
Ngay tựa để bài thơ đã gây sự chú ý cho người đọc. Vì ai cũng biết đồng dao là thể loại của văn học dân gian dành cho trẻ con đọc, hát khi chơi. Đó là những bài văn vần có số lượng câu chữ trong một dòng khoảng 4-5 từ. Nội dung thân thuộc, dễ đọc dễ nhớ, dễ hiểu, như là để chơi vậy thôi. Với bài thơ này, thể loại thì hình như đã cũ mà đối tượng dành cho, hướng đến đã chuyển khác bất ngờ: người lớn. Chắc có người sẽ nói: Người lớn bận trăm công ngàn việc, ai rảnh đâu mà đồng dao. Nhưng hãy khoan, bình tĩnh mà đọc xem… Số lượng chữ trong mỗi dòng thơ là 8 (gấp đôi số chữ trong đồng dao dân gian). Bài thơ gồm 12 dòng với 96 chữ mà có đến 5 từ “vẫn”, 6 từ “mà” và 16 từ “có”. Lặp lại vốn là điều tối kỵ trong sáng tạo nghệ thuật. Nhưng sự xuất hiện nhiều lần những từ trên rõ ràng là chủ định của tác giả.
Khúc đồng dao liệt kê những sự vật hiện tượng trong đời sống thiên nhiên, xã hội và con người; tập trung vào những mâu thuẫn, những ngộ nhận và bi kịch phận người: chết-sống, đang sống-như chết, hỏi-trả lời, cha mẹ-trẻ mồ côi, nho nhỏ-mênh mông, bao la-chật hẹp, thương nhớ-khóc cười, chớp mắt-nghìn năm… Các câu thơ bao gồm 2 mặt của sự đối lập-những đối lập đau lòng, không muốn có, đáng lẽ không nên có, khiến ta giật mình trào nước mắt. Tôi cũng giật mình hoảng sợ bởi nhỡ ra mình cũng thuộc loại đang “sống mà như qua đời” (Trịnh Công Sơn trong “Bên đời hiu quạnh” cũng có ca từ tương tự: Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời/Lòng thật bình yên mà sao buồn thế). Chợt ngộ ra trong cuộc đời có những người sống chỉ là sự tồn tại sinh vật. Sống thêm chật đất và vô tích sự. Anh sinh viên trong “Tội ác và hình phạt” của F. Đoxtoevxki đã giết mụ già cầm đồ vì nhẽ ấy. Nhưng dù sao Nguyễn Trọng Tạo vẫn lạc quan tin tưởng vào sự sống chẳng bao giờ chán nản và phần thiên lương trong mỗi con người: “Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ/Mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió”.
Hai câu thơ vừa dẫn ở trên thể hiện rất rõ tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Những lần đọc đầu tôi nghĩ lẽ ra chúng phải nằm ở cuối bài nhưng rồi may thay giật mình: đồng dao kia mà. Đó là bài ca không bao giờ dứt. Đọc xong câu cuối có thể trở lại câu đầu mà vẫn đảm bảo sự liền mạch, nhất quán. Và tôi thử đọc: “Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi/Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi…”.
Bài thơ như thể tác giả buột miệng nói ra trong cuộc rượu với bạn bè mà thành. Nhưng lại nghĩ, Nguyễn Trọng Tạo là tác giả của những câu thơ như: “Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/Câu trả lời thật không dễ dàng chi” thì cái sự nói chơi, tưởng như phi lý ấy phải được rút từ gan ruột mà ra.
 Chử Anh Đào

Có thể bạn quan tâm