Bộ Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị sửa đổi quyết định quy định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Lao động tự do ở quận Long Biên (Hà Nội) nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19 - Ảnh: Đ.BÌNH
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị sửa đổi, bổ sung 2 điểm của điều 1 và điều 13 trong quyết định trên với mục đích để nhiều người dân, doanh nghiệp khó khăn được nhanh chóng tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ.
Cụ thể, sửa đổi thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ ngày 23-1 đến hết 30-6 thay vì ngày 1-4 đến hết ngày 30-6.
Bổ sung điều 13 về hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động nội dung "doanh thu quý 1-2020 giảm từ 20-30% trở lên so với quý 4-2019".
Tờ trình của Bộ LĐ-TB&XH cho biết tới thời điểm này, so với dự kiến ban đầu số lượng đối tượng thụ hưởng của chính sách hỗ trợ người lao động còn ít, đặc biệt chưa có hồ sơ doanh nghiệp đề nghị vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động được thực hiện tại hệ thống ngân hàng chính sách.
Nguyên nhân của việc này là do thời điểm các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp, chưa được kiểm soát tại Việt Nam nên dự báo số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tương đối nhiều.
Tuy nhiên, Việt Nam đã sớm kiểm soát được dịch bệnh vào cuối tháng 5, tạo điều kiện cho việc mở cửa lại nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp quay trở lại phát triển sản xuất, kinh doanh. Do vậy, số lượng lao động mất việc làm, ngưng việc tiếp cận gói hỗ trợ này còn khá ít.
Bên cạnh đó, nhằm tránh hỗ trợ tràn lan, ngăn ngừa tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách nên các tiêu chí, điều kiện đặt ra trong nghị quyết 42 và quyết định 15 ban đầu chặt chẽ.
Để được hưởng chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp phải chứng minh tài chính nên khiến doanh nghiệp e ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, không chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ người lao động…
Chính vì thế, thời gian qua có ít doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết đến ngày 10-6, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là 17.500 tỉ đồng. Kho bạc Nhà nước Việt Nam đã thực hiện giải ngân trên 10.500 tỉ đồng để thực hiện hỗ trợ trên 10 triệu người và hơn 2.600 hộ kinh doanh.
ĐỨC BÌNH (TTO)