Thời sự - Bình luận

Sức dân và dưỡng sức dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Qua mỗi đận đất nước gặp chiến tranh, thiên tai, dịch dã... lại thêm một lần cảm nhận lòng dân, chứng kiến sức dân.
 

 


Như trong bịt bùng đại dịch COVID-19 …


Qua từng cung bậc, dù ở khúc đoạn nào, thì lòng dân cứ hiển hiện, sáng đẹp vô bờ. Đồng thuận và phục tùng. Bao dung và sẻ chia. Gắn kết và cộng hưởng. Khơi nguồn và giữ lửa. Hóa giải và hàn gắn… Ấy là lòng dân. Thiếu lòng dân, qua bao khúc đoạn trường, làm sao đất nước còn được đến này? Quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đồng thuận với sức dân là cội nguồn sức mạnh trong công cuộc chống dịch và phát triển KTXH lúc này.

Ai đó nói lòng dân cũng như sức dân là vô hạn!

Lòng dân thực là vô hạn, nhưng sức dân thì có chừng.

Là vì chưa khỏa lấp những mất mát tang thương do thiên tai bão lũ, đất nước đã lại chịu cảnh vùi dập của cơn đại hồng thủy mang tên COVID-19. Trong đại dịch, sức dân trở thành nguồn lực – nguồn lực sức dân. Từ người lao động bình thường đến giới doanh nhân, nghiệp chủ; từ đồng bào miền ngược, miền xuôi đến thị thành; từ giới công chức đến lực lượng vũ trang… đã gom góp, phát huy, hội tụ sức người sức của, tất cả để đẩy lui dịch bệnh, đằng đẵng suốt hai năm qua. Sức dân dồn việc nước.

Giờ là lúc nghĩ đến dưỡng sức dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Di chúc, Người không quên căn dặn những người lãnh đạo đất nước, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, phải lo dưỡng sức dân, bằng việc miễn thuế, giảm thuế…

Chiến tranh cũng như thiên tai, dịch giã đều là môi trường nghiệt ngã tàn khốc vắt kiệt sức dân.

Dưỡng sức dân để không lâm vào tình huống suy kiệt nguồn lực, để nguồn lực được bồi bổ, sinh sôi. Dân giàu, nước mạnh. Sức dân là sức nước. Sức nước cũng từ sức dân.

Dưỡng sức dân để toàn dân thêm vững chí bền lòng tiếp tục hành trình vừa khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế vừa ngăn dịch thành công.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên vừa đề xuất: Sẽ tổ chức một đại lễ cầu siêu tưởng niệm và cầu nguyện cho vong linh những người đã thiệt mạng trong đại dịch. Đó là việc làm cần thiết, đầy tính nhân văn, không chỉ an ủi linh hồn người quá cố, mà phần nào khỏa lấp nỗi đau mất mát, khơi ấm lòng dân.

Nhưng, hơn cả vẫn là dưỡng sức dân.  

Dưỡng sức dân bằng khoanh nợ, giảm thuế, miễn thuế, hỗ trợ vốn vay... Chính sách phải cụ thể, thiết thực, người dân, doanh nghiệp “tai nghe, mắt thấy, tay cầm”…

Dưỡng sức dân bằng việc ủng hộ, bảo vệ những doanh nhân tài trí, tử tế, nòng cốt của sức dân; dũng cảm loại bỏ những doanh nghiệp sân sau, những “cấu trúc” lợi ích nhóm; tạo môi trường minh bạch, lành mạnh, ích nước lợi dân.

Dưỡng sức dân bằng cơ chế thông thoáng, cởi mở, bằng chủ trương, chính sách phù hợp với bối cảnh “bình thường mới”, “an toàn mới”…

Ngay và luôn, loại bỏ những quy định, luật lệ ngang chướng, phản cảm, vắt sức dân, mai một lòng dân.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/suc-dan-va-duong-suc-dan-964803.ldo
 

Theo Uông Ngọc Dậu (LĐO)

Có thể bạn quan tâm