Thời sự - Bình luận

Tác hại của rượu bia và nỗi ám ảnh ma túy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV mới đây đã tiến hành lấy ý kiến đại biểu đối với một số nội dung trong dự thảo Luật Phòng-chống tác hại của rượu, bia. Và thật bất ngờ, cả 2 phương án xử lý liên quan đến việc người uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông đều không đạt trên 50% tổng số đại biểu đồng ý. Kỳ thật, việc phòng-chống tác hại của rượu, bia, trong đó có người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã được chế tài tại một số luật, nghị định, thông tư hướng dẫn trước đó.
Dư luận bất ngờ trước kết quả lấy ý kiến trên của đại biểu Quốc hội là có cơ sở. Bởi dự thảo Luật Phòng-chống tác hại của rượu, bia là “chuyện lớn” hiện nay mà đại biểu của dân phải quyết liệt trong bối cảnh tác hại của rượu, bia đã nhãn tiền lên xã hội, đặc biệt là với người sử dụng nó mà điều khiển phương tiện giao thông. “Quốc hồn quốc túy” gì chưa nói, văn hóa “cao siêu” gì chưa nói, ngành nghề đóng góp lớn cho ngân sách gì chưa nói… nhưng tình trạng lạm dụng rượu, bia tràn lan, có xu hướng trẻ hóa như “dịch” và hậu quả mà nó gây ra hoặc liên đới như hiện nay là mối lo lớn cho cả đất nước.
Bên cạnh tác hại của rượu, bia thì xã hội ta cũng đang đối mặt với tệ nạn ma túy hết sức nguy hiểm. Không chỉ thông tin trên báo chí, đôi lần tiếp xúc với đồng nghiệp một số tỉnh miền núi phía Bắc, người viết rất lấy làm lo sợ trước thực trạng ma túy xâm nhập sâu vào đời sống xã hội, nhất là khi nó len lỏi vào các bản làng rừng núi xa xôi, bòn rút, hủy hoại tận cùng không ít gia đình. Tại sào huyệt của bọn buôn bán ma túy, cả bản nghiện, cả nhà nghiện,… Thông tin kiểu này đã từng được xác nhận. “Tệ nạn ma túy len lỏi tới nhiều vùng miền, gia đình, nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau trong xã hội”-Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói tại diễn đàn Quốc hội. Theo thông tin ngành chức năng cập nhật, từ năm 2018, lực lượng Công an đã triển khai các biện pháp ngăn chặn ma túy xâm nhập vào Việt Nam qua các tỉnh miền núi phía Bắc. Sau khi bị ngăn chặn, tội phạm ma túy chuyển hướng vào miền Trung, miền Nam. Và từ đầu năm 2019 tới nay, ngành chức năng phát hiện tội phạm người nước ngoài dùng địa bàn Việt Nam để trung chuyển ma túy.
Đảng và Nhà nước ta rất kiên quyết trong công tác đấu tranh phòng-chống ma túy. Quốc hội đã thông qua Luật Phòng-chống ma túy với mức phạt hết sức nghiêm khắc, 9/13 tội danh có hình phạt chung thân hoặc tử hình. Nhưng do buôn bán ma túy đem lại siêu lợi nhuận, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy tinh vi, xảo quyệt; một bộ phận người thừa hành pháp luật còn hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức công vụ là nguyên nhân khiến tội phạm ma túy vẫn tồn tại và có xu hướng ngoan cố, manh động, như ý kiến của một số đại biểu Quốc hội chất vấn người đứng đầu ngành Công an mới đây.  
Ngoài đối tượng mua bán, tàng trữ, cất giấu, vận chuyển, sử dụng chất ma túy, đối tượng “ngáo đá” khi chưa có chế tài xử lý triệt để thì đã phạm tội giết người vì nghĩ là ma quỷ, trèo lên cột điện, ôm con cố thủ trên nóc nhà, bơi ra ao hồ gây tử vong… đã xảy ra, đủ cả. Giải pháp của ngành Công an là tăng cường hướng dẫn địa phương quản lý đối tượng bằng cách lên danh sách quản lý; có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, kiểm soát hoạt động của các đối tượng này ngay tại nơi cư trú.
Ma túy là hiểm họa nhãn tiền, trực tiếp và phải kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ. Nhưng tác hại của rượu, bia thì được phép xem nhẹ, xem thường? Không, nhất định là không! Ở một phương diện nào đó, tác hại của rượu, bia chẳng khác gì ma túy, vì nó cũng gây nghiện, gây u mê, ngu muội, lú lẫn con người không kém. Tác hại của 2 loại “gây nghiện” này có thể khác nhau nhưng hậu quả cuối cùng thì đều giống nhau: Làm cho con người bệnh tật, hư hỏng, xâm phạm an ninh, trật tự an toàn xã hội, lãng phí, khánh kiệt, suy yếu giống nòi và cuối cùng là tự hủy tự diệt.  
Quy luật chỉ ra rằng, mọi sự vật, hiện tượng đều có mối liên hệ với nhau, nhất là các quan hệ xã hội. Vậy ma túy và rượu, bia có liên quan gì với nhau? Tất nhiên là có! Nhà hàng, quán nhậu, khách sạn, vũ trường choáng ngợp, lung linh, “đẳng cấp” nhưng cũng là nơi tiềm ẩn và thường xuyên bị phát hiện vi phạm liên quan đến tội phạm, tệ nạn, trong đó có ma túy... Tỉnh Gia Lai đang triển khai kế hoạch thực hiện “Tháng Hành động phòng-chống ma túy” (tháng 6) với chủ đề “Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu”. Chống tác hại của rượu, bia, thiết nghĩ trong khi một số đại biểu Quốc hội còn “băn khoăn”, còn thiếu quyết liệt thì toàn xã hội rất cần hành động “xứng đáng” đối với những hành vi vi phạm.                                                 
 THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm