Kinh tế

Nông nghiệp

Tái cơ cấu chăn nuôi để cân đối "rổ" thực phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2019 được đánh giá là năm khó khăn của ngành chăn nuôi. Dịch bệnh bùng phát trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn, tác động tiêu cực đến giá một số sản phẩm chăn nuôi và gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), mặc dù 2019 đạt được một số kết quả nhất định nhưng để đưa ngành chăn nuôi phát triển tương xứng với yêu cầu thực tiễn sản xuất cần tháo gỡ nhiều “nút thắt”, nhất là trong bối cảnh tình hình DTLCP vẫn diễn biến phức tạp.
Sau hơn 5 năm kể từ khi đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi chính thức được phê duyệt, thực hiện, tuy đã đạt những thành công rõ nét, song tại hội nghị tổng kết ngành chăn nuôi năm 2019 và triển khai kế hoạch 2020 của Cục Chăn nuôi vừa được tổ chức, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, ngành chăn nuôi nước ta hiện phải đối mặt với nhiều thách thức.
Vấn đề quy hoạch chăn nuôi ở các địa phương còn mang tính hình thức, chưa bám sát nội dung và mục tiêu tái cơ cấu. Chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao; năng suất chăn nuôi thấp, giá thành sản phẩm cao; vấn đề an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, giết mổ, chế biến và liên kết trong sản xuất vẫn còn nhiều bất cập.
Không chỉ có vậy, theo ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện Cục đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040. Theo đó, sẽ cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng giảm nuôi lợn, tăng chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê, hươu, cừu...) với hình thức sản xuất trang trại, công nghiệp.
 
Trại nuôi gà lấy trứng tại Bình Dương của Công ty Ba Huân.  (ảnh: PHIÊU NHIÊN)
Trong đó, tổng đàn lợn ổn định ở quy mô 30 triệu con, lợn nuôi trang trại, công nghiệp sẽ chiếm 70%. Đàn gia cầm sẽ tăng bình quân hơn 3%/năm. Thủy cầm ổn định khoảng 100 triệu con và nuôi theo hình thức công nghiệp chiếm 50%.
Để đạt mục tiêu này, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Bộ NNPTNT và các địa phương sẽ rà soát lại cơ cấu vật nuôi, định hướng phát triển những sản phẩm chăn nuôi gắn với tiềm năng, lợi thế, thích ứng với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trên cơ sở đó, khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng hữu cơ, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn để kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Đổi mới để tạo sức cạnh tranh
Trong năm 2019, ngành chăn nuôi lợn đã phải đối mặt với DTLCP xuất hiện và lan rộng. Tại thời điểm tháng 12/2019, tổng đàn lợn của cả nước là 24,9 triệu con, giảm 11,5%, trong đó tổng đàn nái cụ kỵ, ông bà của cả nước là 109.826 con, giảm 9,6% so với 2018. 

Để ngành chăn nuôi nước ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, khống chế dịch bệnh và chăn nuôi an toàn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, “ngành chăn nuôi phải luôn có tâm thế chủ động” trong xây dựng chiến lược phát triển ngành.

Lĩnh vực chăn nuôi gia cầm có chiều hướng phát triển ổn định. Tổng đàn gia cầm của cả nước tại thời điểm tháng 12/2019 đạt 467 triệu con, tăng 14,2% so với 2018, trong đó sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 1.278,6 nghìn tấn, tăng 16,5%; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 13,2%, tăng 13,7%.

Dù bệnh DTLCP đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi, tuy nhiên điều đáng mừng là xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2019 ước đạt 638 triệu đô la, tăng 6,5% so với 2018, trong đó, thịt lợn vẫn chiếm tỷ trọng nhiều nhất với 11.500  tấn thịt lợn xuất khẩu các loại, kim ngạch đạt trên 55,3 triệu đô la.
Theo Cục Chăn nuôi, năm 2020 sản lượng thịt các loại sẽ đạt khoảng 5,5 triệu tấn, trong đó, thịt lợn khoảng 64-67%, thịt gia cầm khoảng 25-27%, thịt gia súc ăn cỏ 9-11%; sản lượng trứng đạt khoảng 14,5 tỷ quả và sản lượng sữa đạt khoảng 1,2 triệu tấn.
Để ngành chăn nuôi nước ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, khống chế dịch bệnh và chăn nuôi an toàn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, “ngành chăn nuôi phải luôn có tâm thế chủ động” trong xây dựng chiến lược phát triển ngành.
Để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, Cục Chăn nuôi cần phối hợp với Cục Thú y và các địa phương làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, nhất là triển khai các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, khống chế DTLCP.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật; thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho ngành chăn nuôi... Cục Chăn nuôi phải đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển chăn nuôi đại gia súc; phổ biến thông tin, tuyên truyền về Luật Chăn nuôi đi vào cuộc sống. 
Minh Ngọc (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm