Kinh tế

Nông nghiệp

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Bắt đầu từ đâu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trước tiên cần rà soát thực tế, đánh giá hiệu quả những cây trồng, xem những cây trồng nào không phát triển được, thậm chí nguy cơ thua lỗ rất rõ như cây hồ tiêu, cây mía… Trên cơ sở đó, tái cơ cấu những loại cây trồng ấy theo hướng giảm diện tích, nâng cao kỹ thuật chăm sóc nhằm tăng giá trị nội tại; kiên quyết không tăng cả diện tích lẫn sản lượng những loại cây không có triển vọng thị trường.
Trồng chanh dây ở huyện Krông Pa. Ảnh: Ngọc Sang
Tái cơ cấu nông nghiệp cũng phải dựa vào xu hướng của thị trường tiêu thụ, cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Không nên vội vàng tăng diện tích những loại cây trồng cần có thời gian để đánh giá đúng hiệu quả thị trường. Khi người dân huyện Ia Pa bỏ dần cây mía vì giá trị quá thấp để chuyển qua trồng cây khác thì đó là quyết định đúng, nhưng chưa đủ. Vì bỏ cây mía nhưng trồng cây gì cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện, có hiệu quả kinh tế vừa cao vừa bền vững? Điều này rất cần sự tư vấn vừa khoa học vừa kinh tế thị trường để người nông dân không phải rơi vào tình cảnh “nay trồng mai bỏ” các loại cây mới.     
Về tái cơ cấu cây trồng, một lãnh đạo huyện Mang Yang khẳng định: “Hiện nay, trên địa bàn huyện Mang Yang, người dân đã chặt bỏ cao su tiểu điền để chuyển sang trồng cây ăn quả. Chúng tôi cũng đã làm việc với Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao và được biết quy mô quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu của Công ty là trên 20.000 ha cây ăn quả. Giá trị cây ăn quả hiện rất cao. Huyện cũng đề xuất và đăng ký xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả”.
Như vậy, khi huyện Mang Yang biết dựa vào một doanh nghiệp khá lớn là Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao cho đầu ra của sản phẩm cây ăn quả thì khả năng thành công của việc chuyển đổi cây trồng tăng lên rất nhiều. Liên kết với doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sử dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp và tính toán được đầu ra cho sản phẩm, người nông dân sẽ không bị động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không sản xuất theo phong trào hay không tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Chọn lựa được những doanh nghiệp có sự phát triển bền vững trong nông nghiệp không hề là chuyện dễ dàng, nhưng bắt buộc phải làm. Vì nếu không, khi doanh nghiệp thua lỗ hay rơi vào bế tắc, nông dân sẽ là những người đầu tiên phải chịu thất bại và phá sản.Điều này không chỉ người nông dân tự thân chọn lựa, mà phải có những cơ quan chức năng của Nhà nước làm nhiệm vụ tư vấn, bắc cầu. Nhưng tư vấn hay bắc cầu lại rất cần sự chính xác, trong sáng và vô tư. Công nghệ hay khoa học gì thì cũng phải từ con người, từ lương tâm và trách nhiệm của những người có trách nhiệm thì mới đưa tới thành công được.
Chẳng hạn, thực trạng của cây hồ tiêu hiện nay, lãnh đạo tỉnh cần được biết cặn kẽ và chính xác thì mới đưa ra được quyết sách đúng, đề ra giải pháp khả thi. Vấn đề đặt ra là cây hồ tiêu trồng ở vùng đất nào thì có triển vọng, trồng với diện tích bao nhiêu thì vừa và trồng ở vùng đất nào thì thích hợp? Đưa khoa học công nghệ chăm sóc cây hồ tiêu như thế nào thì cây sống mạnh khỏe và cho sản phẩm chất lượng được thị trường chấp nhận? Chuyện liên kết “4 nhà” phải hết sức thực tế, không phải hô khẩu hiệu và có tới “3 nhà” phải thực sự có năng lực là nhà quản lý, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Có như vậy, “3 nhà” này mới giúp đỡ nhà nông để họ có thể thực hiện được những yêu cầu kỹ thuật trong việc trồng và chăm sóc cây cho tới kết quả cuối cùng.
Chẳng hạn, về cây ăn quả thì hiện chanh dây đang là sản phẩm “hot” trên thị trường với những dược chất được xác định. Quả chanh dây có thể tiêu thụ tốt ở nội địa, đồng thời có thể xuất khẩu. Nếu Gia Lai quy hoạch được những vùng thích hợp trồng chanh dây thì loại cây này có thể thay thế một phần cho những loại cây công nghiệp không hiệu quả tại tỉnh nhà.
Trồng cây gì và trồng như thế nào luôn là bài toán khó, nhưng bắt buộc phải giải đúng. Khoa học công nghệ chỉ giúp sức để những loại cây trồng được chọn cho hiệu quả cao nhất. Nhưng tiêu thụ chúng như thế nào, thị trường ở đâu, giá cả ra sao thì hoàn toàn thuộc về kinh tế thị trường, tức là thuộc về các doanh nghiệp kinh doanh.
Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm