Thời sự - Bình luận

Tái diễn tình trạng trục lợi đền bù

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Cao tốc Bắc - Nam đang được đẩy nhanh và tình trạng một số người cố tình xây dựng công trình trái phép, trồng cây trên phần đất sẽ được thu hồi nhằm trục lợi kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng lại tái diễn.

Hôm qua 18.3 tại Hà Tĩnh, chính quyền địa phương đã ra văn bản đình chỉ xây dựng nhà ở trên dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông đã được phóng tuyến và yêu cầu hoàn trả mặt bằng đối với một hộ dân. Trước đó xã đã ra thông báo không được xây dựng, cơi nới chờ thu hồi, bồi thường để nhường đất cho dự án cao tốc Bắc - Nam nhưng hộ này vẫn cố tình vi phạm nhằm trục lợi tiền đền bù giải phóng mặt bằng khi cao tốc triển khai. Trước đó vài ngày, chính quyền và ngành chức năng Quảng Trị cũng phát hiện tình trạng người dân ồ ạt trồng cây, xây nhà để chờ đền bù tại một số khu vực có liên quan đến dự án cao tốc Bắc - Nam...

Hiện tượng này đã xảy ra từ đầu năm 2019, đến mức Bộ GTVT phải ký công văn hỏa tốc gửi một loạt tỉnh, thành đề nghị tăng cường công tác quản lý đất đai phục vụ thi công dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020. Hiện Bộ GTVT đang phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ bàn giao giải phóng mặt bằng giai đoạn 2021 - 2025 qua 12 tỉnh, thành phố. Thế là nhiều người, nhiều hộ lại “đón đầu” để trục lợi.

Trên thực tế, tình trạng cố tình vi phạm xây dựng để trục lợi khi bị phát hiện, chính quyền các địa phương thường yêu cầu tháo dỡ, hoàn trả nguyên trạng. Thế nhưng giải pháp này chưa đủ sức răn đe, nên mới có tình trạng tái đi tái lại như nói trên. Chưa kể nhiều người khi bị phát hiện còn cố tình chây ì, gây rối không chịu tháo dỡ. Vì vậy, cần có những biện pháp khoa học và cứng rắn hơn. Đầu tiên là tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ dự án. Sau khi đã rà soát những khu vực sẽ thu hồi giải tỏa, cần chụp ảnh nguyên hiện trạng, thông báo rộng rãi cho bà con biết. Với những hộ, những người cố tình vi phạm, kiên quyết không đền bù, thậm chí có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật. Nếu ngay từ đầu đã rõ ràng, công khai thì người dân sẽ hiểu rằng trục lợi không được mà còn thiệt hại tiền của bỏ ra xây dựng trái phép và có thể đối diện với việc bị xử phạt. Từ đó, hạn chế được tình trạng cố tình vi phạm đang có dấu hiệu tái phát và lan rộng hiện nay. Ngược lại, nếu chính quyền địa phương không tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm minh thì công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được coi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nút thắt về tiến độ hoàn thành dự án, sẽ bị ảnh hưởng.

Cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, mà nói như Phó thủ tướng Lê Văn Thành, dự án còn có ý nghĩa chính trị rất lớn, là sự mong mỏi của nhiều thế hệ sau khi đất nước thống nhất được 47 năm. Vì thế, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo ưu tiên nguồn lực cho cao tốc Bắc - Nam với số vốn lên đến 266.000 tỉ đồng, trong đó riêng năm 2022 phải hoàn thành 361 km cao tốc. Thế nên, địa phương nào lơ là để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, ảnh hưởng tới tiến độ của dự án phải chịu trách nhiệm.

Nếu chính quyền nghiêm, sẽ không có cửa cho những hành vi sai trái đó.

Theo NIÊN AN (TNO)

Có thể bạn quan tâm