Xã hội

Gia đình

Tai nạn giao thông kỳ 1: Nỗi đau người ở lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tai nạn giao thông (TNGT) đã cướp đi sinh mạng, sức khỏe, tài sản và làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình. Vì vậy, chung tay ngăn chặn, đẩy lùi TNGT là nhiệm vụ cấp bách của mỗi cá nhân và cộng đồng.
 


Chỉ trong tích tắc, TNGT có thể lấy đi sinh mạng con người, đồng thời cũng gây ra nỗi đau đớn, mất mát cho biết bao người khác.
 

Vụ tai nạn giao thông xảy ra trên quốc lộ 14-đoạn qua thôn Phú Vinh (xã Ia Băng, huyện Chư Prông) vào đầu tháng 9-2020. Ảnh: Văn Ngọc
Vụ tai nạn giao thông xảy ra trên quốc lộ 14-đoạn qua thôn Phú Vinh (xã Ia Băng, huyện Chư Prông) vào đầu tháng 9-2020. Ảnh: Văn Ngọc


Lay lắt do tai nạn giao thông

Sáu năm về trước, trong một lần chạy xe máy đi làm thuê, anh Nguyễn Văn Đam (37 tuổi, trú thôn Thắng Trạch 2, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) bị TNGT dẫn đến chấn thương sọ não. Lúc ấy, vợ anh-chị Trần Thị Hồng-đang mang thai đứa con thứ 3.

 

Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, 10 tháng năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 247 vụ TNGT, làm chết 173 người, bị thương 223 người. So với cùng kỳ năm 2019, TNGT giảm 37 vụ (giảm 13,03%), giảm 16 người chết (giảm 8,47%) và giảm 54 người bị thương (giảm 19,49%).

Khi chúng tôi ghé thăm gia đình, anh Đam đang tiếp tục đi Hà Nội chữa trị vì vết thương trên đầu rỉ mủ và đau nhức. Căn nhà nhỏ của họ mới chỉ xây được 2 phòng ngủ và gian bếp, chưa kịp tô trát.

“Năm 2009, chúng tôi cưới nhau. Ông bà nội chia cho mảnh đất nhỏ, vợ chồng gom góp dựng tạm căn nhà. Ruộng rẫy tuy chưa có nhưng hai vợ chồng động viên nhau chịu khó làm ăn, ai thuê việc vất vả đến đâu cũng không quản ngại. Tôi sinh liền 2 đứa con. Đến khi đang mang thai đứa thứ 3 thì tai họa ập xuống”-chị Hồng nghẹn ngào kể lại.
 
Anh Đam bị tai nạn và ngất đi, không còn nhớ nổi điều gì. Nhờ người đi đường đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên anh giữ được mạng sống. Tuy vậy, não bị chấn thương, hộp sọ bị vỡ. Nhiều lần nuôi cấy hộp sọ nhưng cơ thể anh không đáp ứng.

Việc nuôi cấy bất thành khiến đầu anh gần như không còn hộp sọ che chắn, bảo vệ. “Mọi người hay gọi chồng tôi là Đam đầu bằng”-chị Hồng chua xót nói. Vết thương trên đầu thi thoảng lại rỉ máu.

Ban đầu, gia đình còn vay mượn được anh em, bạn bè. Lâu dần không còn vay mượn được từ ai. Từ cuối năm 2019, anh chị quyết định xin về nhà với ý nghĩ buông xuôi “trời cho sống tới đâu hay tới đó”.

“Ngày tôi đến viện sinh con, anh ấy cũng đang điều trị. Tôi sinh mổ lần 2, sức yếu nên khá vất vả. Con bé sinh ra được hơn 1 tháng, bố mới được ra viện về gặp con. Có những lúc mệt mỏi vì khổ cực quá, tôi chỉ mong trong giấc ngủ mình không phải tỉnh dậy nữa để tránh xa cuộc sống này. Thế rồi nghe tiếng con khóc, tôi lại ngồi dậy, bản năng người mẹ lại không cho phép tôi gục ngã”-chị Hồng tâm sự.

Ngót 1 năm nay, kinh tế gia đình lâm vào khó khăn. “Mỗi khi đầu anh rỉ mủ, tôi lại ra tiệm thuốc mua ít viên kháng sinh để anh uống tạm. Thương chồng nhưng cũng gần kiệt sức rồi”-chị Hồng nói trong nước mắt.

Mấy năm trước, thấy gia cảnh chị Hồng khó khăn, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn đã hỗ trợ gia đình chị 100 con gà giống để nuôi. Nhưng vừa lo làm thuê làm mướn kiếm sống, vừa lo chăm con cái, chưa kể thi thoảng lại đưa chồng đi thăm khám, đàn gà không chăm đến nơi đến chốn nên chẳng thể duy trì. Khoản nợ hơn 150 triệu đồng vẫn còn đó, chưa kể con cái ngày một lớn, không khéo số tiền này còn tăng.

Nỗi đau còn lại

Đã 6 năm kể từ khi chồng qua đời, chị Rơ Mah Bor (làng Jam, thị trấn Ia Kha) phải vừa làm mẹ, vừa làm cha nuôi nấng các con. Khi chồng qua đời do TNGT, chị ôm nỗi đau lẻ bóng và gánh nặng cơm áo nuôi 5 đứa con thơ. Khi ấy, Rơ Mah Khưn chưa tròn 1 tuổi. Còn cô con gái đầu vừa bước vào lớp 6. Tài sản của 6 mẹ con là căn nhà tạm thưng bằng tôn và 100 cây cà phê.

Chị Bor kể lại, có lúc đêm nằm ôm 5 đứa con dưới mái nhà tôn mưa quất rào rào không ngủ nổi, chị cắn răng tủi phận. Bù lại, cả 5 đứa đều ngoan và thương mẹ. “Mình phải tự động viên cố gắng để lo cho chúng nó. Bố chúng nó ngắn số thì mình phải thay để lo cho các con”-chị Bor tâm sự.

Từ một người suốt ngày quanh quẩn ở nhà chăm lo con cái, chị Bor phải bươn chải kiếm sống. Ai thuê việc gì chị cũng nhận làm, từ làm cỏ, hái cà phê, gặt lúa, nhổ mì, đập vỏ bời lời… Ngày nắng cũng như ngày mưa, chị đều không nề hà, cốt để kiếm được tiền lo miếng cơm, manh áo cho các con.

Hiểu mẹ vất vả, 5 đứa con tự bảo ban, lo lắng cho nhau khi mẹ đi làm cả ngày. “Em chưa từng có cảm giác mẹ chờ đón về mỗi buổi tan trường. Mỗi buổi sáng, mẹ luôn dậy thật sớm, đi chợ mua sẵn thức ăn cho cả nhà rồi đi làm. Bữa trưa và bữa tối, chúng em tự nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Ngày nào cũng gần tối mẹ mới trở về nhà”-em Rơ Mah Hải nói.

Thương hoàn cảnh 6 mẹ con, tháng 7-2020, một số nhà hảo tâm đã đóng góp hỗ trợ gia đình chị Bor 1 căn nhà cấp 4 trị giá 70 triệu đồng. Nhìn các con ngồi túm tụm chỉ nhau học bài, chị Bor lại chạnh lòng. “Giá như còn bố thì chúng nó sẽ đỡ vất vả hơn. Cũng may có chính quyền địa phương và bà con họ hàng quan tâm. Ngoài xây tặng căn nhà, các hội đoàn thể còn hỗ trợ quần áo, sách vở, gạo muối… nên mẹ con tôi cũng đỡ cơ cực phần nào”-chị Bor chia sẻ.

 

Lãnh đạo Sở Giao thông-Vận tải thăm, động viên gia đình nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông. Ảnh: Lê Hòa
Lãnh đạo Sở Giao thông-Vận tải và huyện Chư Pưh thăm, động viên gia đình nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông. Ảnh: Lê Hòa


Thống kê trong 2 năm (2018-2019) cho thấy, TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp (chiếm 47,77% tổng số vụ) và gia tăng mức độ nghiêm trọng (tăng 5,41% số người chết/năm). Phát biểu tại một hội nghị gần đây, Đại tá Lê Văn Hà-Phó Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ ra 4 nhóm nguyên nhân chính khiến tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp.

Trước tiên là trình độ dân trí không đồng đều, ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ còn thấp, người dân còn có thói quen tùy tiện khi tham gia giao thông, việc sử dụng rượu bia trong các dịp lễ hội, mừng hiếu hỉ… Hạ tầng giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế, bất cập; tình trạng giao thông hỗn hợp dễ dẫn đến TNGT.

Trên địa bàn tỉnh còn hơn 38.646 xe công nông, xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, loại phương tiện này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT); tình trạng sử dụng các loại xe độ chế, không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện để tham gia giao thông, người điều khiển không có giấy phép lái xe… dẫn đến nguy cơ mất ATGT. Công tác tuyên truyền, vận động còn bất cập, các phong trào giữ gìn trật tự ATGT ở vùng sâu, vùng xa còn kém hiệu quả và nặng về hình thức…

Trao đổi với P.V, ông Phan Hữu Hiếu-Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh-cho biết: “Tai nạn giao thông để lại hậu quả rất nặng nề. Để thực hiện mục tiêu kéo giảm TNGT thì cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trước hết, mỗi người dân khi tham gia giao thông hãy chủ động bảo vệ mình bằng việc tuân thủ các quy định về Luật Giao thông Đường bộ; đồng thời, trang bị các kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Mỗi hành trình an toàn sẽ góp phần quan trọng giữ cho cuộc sống mỗi người, mỗi gia đình được bình an, hạnh phúc”.

LÊ HÒA-VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm