(GLO)- 2 vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm liên quan đến người dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô xảy ra tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) trong thời gian gần đây không chỉ cho thấy công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông của chính quyền địa phương có phần hạn chế mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong việc giáo dục, quản lý con em khi tham gia giao thông.
Vụ thứ nhất xảy ra ngày 10-9 trên đường Hồ Chí Minh (thuộc địa phận tổ 9, phường Yên Thế, TP. Pleiku) khiến 2 người tử vong. Vụ thứ 2 xảy ra trên đường Lê Duẩn (TP. Pleiku) vào ngày 11-9 khiến 2 người tử vong và 1 người bị thương nặng. Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cc; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh từ 50 cc trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự. Từ hồ sơ ban đầu của 2 vụ tai nạn, chúng ta dễ dàng nhận thấy, 2 trong 3 trường hợp điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cc trở lên đều chưa đủ 18 tuổi, trường hợp thứ nhất sinh năm 2006 và trường hợp thứ 2 sinh năm 2009. Đáng chú ý, cả 2 trường hợp đều là người dân tộc thiểu số; chưa qua đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Mặt khác, do tuổi đời còn nhỏ nên các em thiếu kỹ năng xử lý các tình huống liên quan đến giao thông. Sau khi chứng kiến cái chết tức tưởi của con mình, chắc chắn các bậc cha mẹ sẽ rất đau đớn, xót xa, thậm chí ân hận. Giá như các bậc cha mẹ thường xuyên giáo dục và quản lý chặt chẽ hành vi của con mình thì tai nạn thương tâm sẽ không xảy ra!
Theo thống kê của các ngành chức năng, những năm gần đây, TNGT trong thanh-thiếu niên, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc thiểu số gia tăng một cách đáng quan ngại. Theo thông tin từ Ban An toàn giao thông tỉnh, trong 6 tháng đầu năm nay, đối tượng dưới 18 tuổi gây ra 19 vụ TNGT, tăng 7 vụ so với năm 2021. Đặc biệt, trong những tháng gần đây, số vụ TNGT liên quan đến người dưới 18 tuổi tiếp tục gia tăng, trong đó có 2 vụ TNGT rất nghiêm trọng nêu trên. Nguyên nhân là do các em điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi theo quy định và tất nhiên là chưa tiếp cận với Luật Giao thông đường bộ cũng như chưa được đào tạo kỹ năng lái xe an toàn.
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: R'Ô HOK |
Nhiều năm qua, vấn đề người chưa đủ 18 tuổi điều khiển xe mô tô gây tai nạn đã được đưa ra mổ xẻ tại nhiều hội nghị chuyên đề về trật tự an toàn giao thông, song đến nay, thực trạng vẫn hoàn thực trạng. Cũng theo Ban An toàn giao thông tỉnh, nguyên nhân chủ yếu là do cha mẹ thiếu kiến thức về pháp luật hoặc có tâm lý chiều chuộng nên để con cái vô tư sử dụng và điều khiển phương tiện giao thông một cách vô tội vạ. Thậm chí có gia đình còn bỏ tiền mua sắm xe máy phân khối lớn, trong khi con còn nhỏ tuổi và chưa được cấp giấy phép lái xe. Ngoài yếu tố gia đình, việc không thường xuyên, kiên quyết xử lý vi phạm của lực lượng chức năng cũng là nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Mặc dù Luật Giao thông đường bộ quy định rất rõ ràng, song trên các tuyến đường nông thôn, nhiều thiếu niên vẫn vô tư điều khiển xe máy phân khối lớn lạng lách, đánh võng, nẹt pô… gây nguy hiểm cho bản thân và người đi đường. Tại khu vực đô thị, tình trạng học sinh điều khiển xe máy có dung tích xi lanh từ 50 cc trở lên vẫn nhan nhản trên đường. Biết vậy, nhưng nhà trường vẫn “bó tay” vì học sinh có muôn vàn cách đối phó, trong đó phổ biến nhất là gửi xe ở khu vực lân cận.
Nhân đây, chúng tôi xin dẫn ý kiến của lãnh đạo một huyện biên giới về cách ứng xử đối với người bị TNGT. Theo vị lãnh đạo này, việc Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức công nhận và chọn ngày chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT” trên toàn cầu là đúng đắn. Hệ thống chính trị và cộng đồng cần chung tay chia sẻ nỗi đau thương, mất mát đối với nạn nhân và người nhà nạn nhân. Tuy nhiên, Ban An toàn giao thông và hệ thống chính trị các cấp cũng cần nhận diện khái niệm “nạn nhân” một cách chính xác. Cũng theo vị lãnh đạo này, đối với những trường hợp cố tình vi phạm trật tự an toàn giao thông dẫn đến bị thương hoặc thiệt mạng thì cần phải xem lại để có cách ứng xử công bằng, thỏa đáng!
DUY LÊ