Thời sự - Bình luận

Tài sản tham nhũng: Biết hết, nhưng không xử lý được!?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu để tình trạng tài sản tham nhũng "chúng ta biết hết nhưng không xử lý được" thì còn chuyện gì có thể nhạo báng pháp luật hơn.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí thông tin, tổng số tài sản thu hồi được trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80 nghìn tỷ đồng.

So sánh với số tiền thu hồi được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Quốc hội mới quyết cho hai đoạn đường của dự án cao tốc Bắc - Nam cũng chỉ là 79.000 tỉ đồng.

Báo cáo của các vị này cho biết thêm, thực tế số tiền tham nhũng chưa thu hồi được cũng còn rất nhiều. Thậm chí, ông Lê Minh Trí cho biết: Có vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng đã đồng ý với điều tra viên và kiểm sát viên sẽ khắc phục hậu quả 800 tỷ đồng, nhưng sau khi luật sư vào gặp thì không nói gì đến chuyện 800 tỷ nữa. Bởi, luật sư tư vấn cho bị can: Nếu ông nộp 800 tỷ, người ta sẽ hỏi ở đâu có 800 tỷ, là ông tham nhũng còn chết hơn.

Những bị can này chỉ là trong vô số các đối tượng cương quyết không nhận tội hối lộ nhằm tránh mức án nặng. Đó cũng là lý do, khiến nhiều vị quan chức biến chất chỉ bị xử tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội cố ý làm trái... dù rằng, ai cũng biết, đó là tội nhận hối lộ.

Những con số này nói lên điều gì?

Một mặt cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng của chúng ta không chỉ quyết liệt, không có vùng cấm, mà việc thu hồi tiền cho ngân sách bắt đầu tăng lên.

Những con số này cho thấy, dù tỷ lệ thu hồi tiền chưa lớn (chắc còn không ít vụ việc vẫn trong bóng tối), nó cũng đủ làm được hai đoạn cao tốc - vốn giá thành cao nhất hành tinh. Từ đó có thể hình dung, lượng ngân khố bị "đục khoét" kinh hoàng tới mức nào.

Do vậy, nếu ngăn chặn được sự thất thoát ngân sách khổng lồ đã, đang và sẽ diễn ra, chúng ta không chỉ có lượng tiền lớn để trang trải rất nhiều việc cấp bách hiện nay, mà còn lấy lại niềm tin ít nhiều có sự rạn nứt của dân vào công quyền.

 

 Việc thu hồi tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa từ Internet.
Việc thu hồi tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa từ Internet.


Đồng thời, những vụ án đã và đang được bung ra cho thấy nhiều lỗ hổng quá lớn để các quan tham cùng băng nhóm lợi ích của mình lộng hành.

Ngoài trùng điệp các bộ luật, các văn bản dưới luật mà còn đủ các loại đoàn thể kiểm soát, nhưng các vụ án cho thấy, những người đứng đầu một số tỉnh, thành phố, bộ ngành vẫn không khác gì ông vua con. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các loại sai phạm trầm trọng xảy ra hiện nay.

Những chuyện này dư luận đều rất biết, rất thuộc. Chẳng hạn, vì sai phạm nghiêm trọng, Bí thư thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải bị cách chức Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2010 – 2015. Cùng với ông Hải, một loạt vị Chủ tịch, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch TP bị kỷ luật, thậm chí bị đứng trước vành móng ngựa. Rồi Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch ở một số tỉnh, thành phố bị kỷ luật, bị cách chức, bị khởi tố. Đó là chưa kể đến hàng ngũ Giám đốc sở ở nhiều lĩnh vực, trong đó có cả Công an, Viện kiểm sát.   

Hoặc, để thực hiện ý đồ của mình, ông Nguyễn Đức Chung – cựu Chủ tịch TP Hà Nội, với vị trí của mình, bất chấp pháp luật, ngang nhiên yêu cầu ngừng đấu thầu gói thầu số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội. Để rồi gần năm sau mở lại thầu với đầu bài mới, mà không một doanh nghiệp nào đủ điều kiện trừ Cty Nhật Cường. Những động thái này chẳng khác gì chỉ định thầu, tưởng tinh vi, nhưng thật ra rất trắng trợn trước pháp luật. Nhưng tại sao không một thuộc cấp cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật nào sớm lên tiếng ngăn chặn?

Hoặc như ông Đinh La Thăng tự mình quyết chỉ định thầu trong một số dự án, dù sai luật, nhưng không một thuộc cấp nào dám can ngăn. Thậm chí vụ việc đó phải đến gần chục năm sau mới bị đem ra xem xét.

Tất nhiên, sau những hành động từng được cho là "quyết đoán" đó, ai cũng biết phía sau là những khoản ăn chia khổng lồ, nhưng hầu hết họ chưa từng bị kết tội nhận hối lộ. Trừ trường hợp vụ án mua bán AVG, không chỉ thuộc cấp, mà cả hai bộ trưởng đã khai báo nhận hối lộ và khắc phục hoàn toàn hậu quả.

Do đó, làm gì để "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế" - như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, là vấn đề sống còn hiện nay. Tuy nhiên, thực hiện được những yêu cầu của Tổng Bí thư không hề đơn giản, bởi nhiều nhóm lợi ích đang âm thầm nhưng quyết liệt chống phá.

Vấn đề là quyết tâm thực hiện của các cấp. Tại diễn đàn trên, Viện trưởng VKSNDTC  Lê Minh Trí đề nghị sớm ban hành Luật Đăng ký tài sản, coi đó là một trong những biện pháp phòng ngừa và thu hồi tài sản tham nhũng. Theo ông Trí: "Bây giờ có những người chỉ hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỷ, nghìn tỷ. Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được, vì quyền sở hữu của công dân, chúng ta không đụng vào được. Nhưng nếu có luật này, khi anh đăng ký một tài sản mới, anh không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì bị "thăm hỏi" ngay và có cơ sở pháp lý để xử lý."

Tuy nhiên, bài học về kê khai tài sản, vốn được người dân tin tưởng, hy vọng là một trong những giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả, nhưng thời gian cho thấy, nó lại khiến người dân thêm một lần thất vọng. Một trong những lý do thất bại, những tài liệu đó đã không được công khai, không đến được với người dân – một trong chủ thể giám sát chính trong biện pháp này.

Dù có giải pháp gì đi nữa, nó chỉ có hiệu quả nếu như chúng ta làm thực sự. Nếu vẫn còn những cá nhân, những nhóm quyền lực nào đó bằng những ngôn từ ngụy biện, tìm mọi cách vô hiệu các giải pháp thì chỉ có... thất bại.

Do đó, nếu vẫn để tình trạng tài sản tham nhũng "chúng ta biết hết nhưng không xử lý được", còn gì có thể nhạo báng pháp luật hơn.

 

https://danviet.vn/tai-san-tham-nhung-biet-het-nhung-khong-xu-ly-duoc-20210118124238422.htm

Theo Vương Hà (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm