1. Một đô thị cũng như con người, có ký ức và tâm hồn. Lý giải dưới đây của bạn khiến tôi chợt hiểu, nếu cho rằng tâm hồn đô thị nằm ở kiến trúc, cảnh quan, phố xá, dịch vụ thì ta chỉ mới tiếp cận lớp vỏ ngoài của hàm nghĩa ấy. Và nếu chỉ có vậy thì những thành phố khác “ăn đứt” Pleiku.
Với bạn, cảm nhận về chiều sâu ấy đến từ chính con người. Nhờ một người bạn thân dẫn đường, bạn có cơ hội thả bộ từ triền dốc tuyệt đẹp, mát lạnh giữa lưng núi Hàm Rồng, ngắm toàn cảnh thành phố từ trên cao ẩn hiện qua tán thông già. Cũng nhờ sự giới thiệu ấy, bạn phóng xe đến ngôi làng Jrai ven phố, ghé thăm xưởng chế tác nhạc cụ của một nghệ nhân có tiếng. Bạn đi từ ngạc nhiên này đến trầm trồ khác khi lặng nghe tre nứa cất lời thành bao thanh âm núi rừng rộn rã, lại được mua sản phẩm du lịch tại nguồn chứ không cần ra cửa hàng mỹ nghệ. Bên những người thân sơ, ly cà phê Phố núi cũng đậm đà hơn. Chỉ chân chất vậy, chẳng có gì bóng bẩy mà sao đong đầy bao điều trong tâm trí.
Bạn kết luận: Những người mà ta gặp quyết định vẻ đẹp của tâm hồn đô thị. Đúng vậy. Tin tôi đi, nếu chỉ là đi phượt theo sự giới thiệu của những trang mạng, ta không bao giờ biết hết những ngóc ngách đời sống nhiều khi rất sâu lắng của một đô thị. Muốn hiểu rõ điều ấy, rất cần một người dẫn đường đủ thâm trầm.
Pleiku-thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Ảnh: Phạm Quý |
2. Một người bạn khác của tôi thì tâm sự rằng, nhờ buổi theo chân người quen đến thăm một gia đình Hà Nội gốc nên thành phố này đã mang đến cho chị những xúc cảm đặc biệt. Nếu ngoài mặt phố là những xa hoa náo nhiệt thường trực, là “bún chửi”, “phở mắng” thì khi rẽ vào con ngõ nhỏ, mọi thứ đã biến đổi. Như thể đó là hai thế giới biệt lập. Không khí lắng lại, ngôi nhà nhỏ hiện ra với không gian ấm cúng, nền nã. Gia chủ là một cặp vợ chồng trí thức đứng tuổi, là giáo sư, bác sĩ đã nghỉ hưu. Cách trò chuyện lịch thiệp, nhã nhặn, tạo cảm giác thân tình cho người đối diện. Ra về, bạn vẫn chưa hết ngưỡng mộ không gian ấy rồi tấm tắc: Đúng là “Không thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Lúc đó, tôi cũng vỡ lẽ về cảm giác khó lý giải trong lần ghé Hà Nội mới đây. Hôm ấy, tôi đã cố thuyết phục rằng mình đang ở trong một khung cảnh rất chill khi ngồi thưởng thức ly cà phê espresso dưới hàng sấu già, trong một sáng chớm đông-kiểu thời tiết được cho là lý tưởng ở xứ Bắc. Thảng hoặc, vài chiếc xe đạp chở cúc họa mi ngang qua nhộn nhịp phố. Rất đúng điệu. Chỉ cần chụp vài tấm ảnh trong bối cảnh ấy để nuôi Facebook thì đảm bảo “tim” sẽ bay rào rào. Nhưng phải thừa nhận là cảm xúc như mong đợi đã không đến. Có lẽ vì tôi chỉ đang nhìn Hà Nội qua hiển lộ bề mặt mặc định. Có lẽ vì tôi chưa có duyên gặp được những người đúng chất, giúp phô diễn thầm kín vẻ đẹp Hà thành. Vẫn thiếu một “cú chạm” để bật lên cảm xúc. Thế đó, nếu chỉ đến chụp hình check-in ở một vài nơi nổi tiếng thì khó có thể nói rằng ta đã biết, đã hiểu, đã cảm nhận đầy đủ.
3. “Đại sứ du lịch Pleiku” là cái tên gần đây người ta hay nhắc khi nói đến bạn trẻ Dương Thị Thanh Nga, một công dân Phố núi. Thật khó tin, người trở thành “đại sứ” ấy lại là cô gái đã phải chấp nhận cắt bỏ một chân do bị ung thư xương. Vượt lên mặc cảm hình thể, khủng hoảng về tâm lý, cô gái ấy đã truyền đi cảm hứng xê dịch mạnh mẽ. Với đôi nạng, cô đã đi khắp chốn cùng nơi trong và ngoài tỉnh để thỏa mong ước được đi, được sống đúng nghĩa, như bao người bình thường. Không những vậy, cô còn tự nguyện trở thành hướng dẫn viên nhiệt tình đưa bạn bè, du khách các nơi tham quan Pleiku. Ngày càng có thêm nhiều người phương xa trở thành bè bạn sau lần được trải nghiệm du lịch cùng cô ở Phố núi.
Chị Dương Thị Thanh Nga-một công dân Phố núi-tình nguyện trở thành Đại sứ du lịch Pleiku (ảnh nhân vật cung cấp). |
Thời 4.0, thật ra không khó để tự tìm hiểu về các điểm đến tại Gia Lai thông qua mạng internet, mạng xã hội, nhưng nhiều người vẫn chọn nhắn tin nhờ Nga tư vấn. Đơn giản là khi đồng hành với một người đã thông thuộc thành phố và truyền cảm hứng, họ có cơ hội khám phá nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất, được yêu thêm những trải nghiệm chân thật về cuộc sống nơi đó.
Tự nghĩ, nếu mỗi người Gia Lai ý thức rằng mình cũng là một hướng dẫn viên thì du khách sẽ hiểu, sẽ thương vùng đất này bằng thứ cảm xúc bền lâu. Người viết minh chứng bằng mấy dòng review của một bạn trẻ chọn cách du lịch một mình đến Pleiku. Không khỏi phì cười vì góc nhìn có phần hài hước nhưng phiến diện, dễ gây lầm tưởng: “Pleiku-Gia Lai, trời lành lạnh quanh năm, mưa lất phất miên man (…). Và trong cái tiết trời thơ thơ ấy, nàng thơ cũng dễ xuất hiện hơn. Hình bóng một cô gái, má đỏ hây hây, da trắng, người xinh xinh với trang phục Tây Tây, ngồi ở một quán nước, dưới tán cây, đọc cuốn sách nào đó (…). À mà, Gia Lai-Pleiku bây giờ, dân giàu nhiều lắm nha. Nữ lái xe Peugeot là chủ yếu. Nam lái đủ thứ, nhưng bán tải khá nhiều. Nếu bạn thấy ai đó đi xe máy, ắt là họ muốn tiện dụng là chủ yếu, chứ kiểu gì nhà cũng sẵn tiền hoặc sẵn chiếc xe hơi. Xe hơi nhiều, nhưng điểm du lịch ở Gia Lai lại khá hẻo. Người lên Gia Lai thường chả biết nên đi đâu, cuối cùng, thành ra chỉ có 2 nơi để khách thập phương vui cùng các thổ địa là: quán cà phê hoặc quán nhậu”.
Với tư cách là công dân Phố núi, tôi không buồn vì những dòng nhận xét có phần vội vã đó. Chỉ thấy tiếc. Tiếc vì bạn trẻ ấy chưa có dịp được trải nghiệm sâu sắc một phần tâm hồn đô thị có tuổi đời gần trăm năm với rất nhiều tầng vỉa văn hóa cùng bao thăng trầm. Nhưng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, ở đây có phần lỗi của những “thổ địa” Gia Lai đấy nhé!