Khoa học - Công nghệ

Tầm soát ung thư cổ tử cung bằng công nghệ AI: Giảm chi phí và thời gian điều trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Đầu tháng 5-2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai triển khai chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung bằng công nghệ AI. Chương trình diễn ra vào ngày khám dịch vụ thứ bảy hàng tuần và hoàn toàn miễn phí.

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Đức Thọ-Phó Trưởng khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thông tin: Công nghệ AI được đơn vị sử dụng để tầm soát ung thư cổ tử cung là CerviCare AI. Đây là kỹ thuật mới được thực hiện nhờ hệ thống TeleCervicography. CerviCare AI là một tập dữ liệu lớn với hơn 100.000 hình ảnh cổ tử cung, gồm hình ảnh bình thường và hình ảnh bất thường có thể phát hiện chính xác ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm với độ chính xác lên đến 98%. Ngoài ra, CerviCare AI cũng cho thấy hiệu quả trong việc nhận diện các biểu hiện bất thường khác trên cổ tử cung với độ chính xác là 95%.

Bác sĩ Khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tư vấn cho người dân về tầm soát ung thư cổ tử cung. Ảnh: N.N

Bác sĩ Khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tư vấn cho người dân về tầm soát ung thư cổ tử cung. Ảnh: N.N

Điểm nổi bật của ứng dụng này là khả năng phân tích hình ảnh trong vòng 5 giây, đem lại tiềm năng lớn trong việc chẩn đoán sớm và nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh. Với việc áp dụng CerviCare AI, các cơ sở y tế có thể giảm bớt gánh nặng công việc và tập trung nguồn lực vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Công nghệ này không chỉ mang lại lợi ích cho bệnh nhân mà còn cho toàn bộ hệ thống y tế, bằng cách nâng cao hiệu quả quá trình sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung, giúp giảm chi phí và thời gian điều trị.

Theo bác sĩ Thọ, chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung bằng công nghệ AI nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác phát triển trong lĩnh vực y tế giữa TP. Hồ Chí Minh và Gia Lai giai đoạn 2024-2025. Thiết bị, máy móc tầm soát được ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh. “Trước mắt, đơn vị thực hiện 500 ca miễn phí và sẽ tiếp tục xin hỗ trợ thêm từ đơn vị tài trợ để có thể tầm soát cho nhiều trường hợp. Từ đầu tháng 5 đến nay, đơn vị đã triển khai tầm soát cho trên 50 ca và phát hiện 2 ca có biểu hiện bất thường. Trong quá trình tầm soát, những trường hợp nghi ngờ hoặc có bất thường thì sẽ soi lại cổ tử cung và sinh thiết. Đối với các ca khó, chúng tôi xin hỗ trợ hội chẩn từ tuyến trên”-bác sĩ Thọ cho hay.

Khi biết thông tin về chương trình, chị Nguyễn Thị Đức (tổ 3, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám. Theo chị Đức, ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư thường gặp ở phụ nữ nên việc tầm soát là rất cần thiết. Còn chị Ksor H’Chiên (buôn Rưng Ma Nin, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa) thì thổ lộ: “Mình bị u nang đa thùy ở buồng trứng và đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hôm nay, mình đến khám, nếu có gì bất thường thì sẽ có hướng can thiệp, chữa trị phù hợp”.

Nhân viên Trung tâm tiêm chủng VNVC Pleiku tư vấn cho khách hàng trước khi tiêm vắc xin HPV. Ảnh: Như Nguyện

Nhân viên Trung tâm tiêm chủng VNVC Pleiku tư vấn cho khách hàng trước khi tiêm vắc xin HPV. Ảnh: Như Nguyện

Ung thư cổ tử cung diễn tiến âm thầm và khó nhận biết giai đoạn đầu. Khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng thì bệnh thường đã ở vào giai đoạn muộn. “Để phát hiện sớm thì nên tầm soát sức khỏe định kỳ. Phụ nữ sau 21 tuổi nên tầm soát ung thư cổ tử cung và tầm soát 3 năm hoặc 5 năm 1 lần. Nếu phát hiện sớm thì việc điều trị cũng sẽ kịp thời, hiệu quả hơn”-bác sĩ Thọ khuyến cáo.

Hiện nay, Việt Nam đã có vắc xin phòng các chủng vi rút HPV gây ung thư cổ tử cung phổ biến. Theo bác sĩ A Thị Hải Vân (Trung tâm Tiêm chủng VNVC Pleiku): Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư có thể dự phòng được, trong đó công tác dự phòng cấp 1 là tiêm ngừa vắc xin HPV cần được đẩy mạnh. Nghiên cứu cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể thanh toán ung thư cổ tử cung trong 30 năm tới nếu việc tiêm chủng vắc xin HPV được triển khai cho 90% trẻ em gái vị thành niên kết hợp với sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung đầy đủ. “Hiện nay, vắc xin HPV được chỉ định tiêm trong độ tuổi từ 9 tuổi đến 45 tuổi và được khuyến cáo tiêm tốt nhất ở độ tuổi từ 9 đến 14 tuổi. Trẻ em ở độ tuổi này chỉ cần tiêm 2 mũi giúp hiệu quả miễn dịch cao và tiết kiệm chi phí so với tuổi lớn hơn cần phải tiêm 3 mũi”-bác sĩ Vân nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Vân, trước khi tiêm vắc xin HPV, không cần làm xét nghiệm, không cần kiêng cữ. Vắc xin HPV có thể phối hợp tiêm cùng nhiều loại vắc xin khác, được chỉ định cả nam và nữ ở độ tuổi 9-45 tuổi nên mọi người cần tham khảo kết hợp lịch tiêm để tiết kiệm thời gian.

Có thể bạn quan tâm