Tận tâm với học trò

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 14 năm gắn bó với Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Gia Lai, cô Siu H'Liên đã gần gũi, dìu dắt bao thế hệ học trò. Nhiều học sinh đã trở nên yêu thích bộ môn được cho là “thế yếu” của học sinh dân tộc thiểu số là Toán học. Cùng với nhiều đóng góp khác cho giáo dục dân tộc chuyên biệt, cô Siu H'Liên đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Cô giáo của học trò yếu
Từ một học sinh chuyên Tiếng Anh của Trường THPT chuyên Hùng Vương (niên khóa 1995-1998), cô Siu H'Liên thi đậu vào Khoa Toán của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Điều này được cô lý giải như một cơ duyên, khi sự lựa chọn của tuổi trẻ lúc ấy chỉ đơn giản là theo bạn bè. Ra trường, được đồng hành với các em học sinh dân tộc thiểu số trong bộ môn Toán học, cô càng thấy sự rẽ lối của mình có ý nghĩa. Cô H'Liên bày tỏ: “Không thể phủ nhận một thực tế là đa phần học sinh dân tộc thiểu số khá yếu ở môn Toán. May mắn của tôi là hiểu rõ được tâm lý lứa tuổi, động cơ học tập của các em và so với thế hệ tôi ngày ấy thì các em đã tiến bộ hơn rất nhiều. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi với tôi, các em không giấu dốt mà ngược lại rất thoải mái chia sẻ, đó là cơ hội để tôi gần gũi, giúp đỡ các em”.
Trò chuyện với nhiều học sinh, chúng tôi hiểu rằng sự cởi mở của các em đối với cô không phải tự nhiên mà có. Em Rơ Châm H'Phê (lớp 12B) vui vẻ kể những ấn tượng về cô giáo dạy Toán của mình: “Trước khi học ở trường, em đã được nghe nhiều anh chị lớp trước nói về cô H'Liên. Anh chị thường dặn dò là khi nào buồn cứ tìm đến cô ấy. Do đó, trong suy nghĩ của em, cô H'Liên như một chỗ dựa tinh thần trước khi bước vào môi trường học tập nội trú. Khi biết cô H'Liên sẽ đảm nhận việc giảng dạy môn Toán của lớp, chúng em ai cũng vui mừng dù chưa bắt đầu tiết học nào”.
 Cô Siu H'Liên (bìa phải) và học sinh cùng trao đổi về phương pháp học Toán. Ảnh: N.G
Cô Siu H'Liên (bìa phải) và học sinh cùng trao đổi về phương pháp học Toán. Ảnh: N.G
HPhê kể rằng, cô H'Liên đã luôn gần gũi, động viên và dành cho lớp em nhiều thời gian, dù cô không phải là giáo viên chủ nhiệm. Không chỉ nhiệt tình trên bục giảng, cô H'Liên còn dành nhiều thời gian ngoài giờ để giúp đỡ những em bị hổng kiến thức bằng những buổi học phụ đạo hay những lớp học “tự phát” ngay dưới tán cây rợp bóng mát giữa sân trường. Những tiết học Toán nhờ thế chưa bao giờ trở thành “ác mộng” với học sinh yếu kém. Không chỉ giúp học sinh vượt qua thử thách ở môn Toán, cô H'Liên còn là địa chỉ tin cậy của nhiều học sinh yêu thích môn Tiếng Anh. Em Nay Huynh (lớp 12D) cho hay: “Cô H'Liên nói, học tiếng Anh ngày nay quan trọng nhất là nghe và nói. Vì vậy, cô đã động viên em mạnh dạn sử dụng ngôn ngữ này trong giao tiếp hàng ngày với bạn bè, với chính mình và chủ động bắt chuyện người nước ngoài khi gặp họ. Em rất ngưỡng mộ cô H'Liên khi là giáo viên dạy Toán nhưng nói tiếng Anh khá giỏi”-Nay Huynh cười nói.
Sự gần gũi, tận tâm của cô H'Liên được học trò đáp lại bằng những kết quả học tập bất ngờ. Wơn là một trong những học sinh như thế. Học rất yếu môn Toán nhưng thay vì sợ những giờ Toán căng thẳng, Wơn lại yêu thích vì gặp được cô H'Liên. Chính hình ảnh cô đã trở thành động lực để em quyết định trở thành sinh viên sư phạm mầm non-Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.
Tích cực rèn luyện bản thân
Cùng với thành tích 7 năm liền giữ vững tỷ lệ 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, cô H'Liên đã cùng Tổ Toán luôn tích cực đổi mới dạy-học môn Toán lớp 12 theo hình thức thi trắc nghiệm 100%. Không chỉ chú trọng phần kiến thức cơ bản, cô H'Liên còn tổ chức nhiều buổi rèn luyện kỹ năng làm bài thi, hướng dẫn học sinh sử dụng thành thạo máy tính cầm tay. Cô cũng thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và kết hợp tốt các phương pháp khác để giúp học sinh chủ động tiếp thu kiến thức, từ đó yêu thích và có động lực học tập tốt hơn... 
Là giáo viên có nhiều đóng góp vào thành tích của học sinh trong Hội thi Văn hóa-Thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc lần thứ VII, năm học 2013-2014 với 3 huy chương đồng, điều mà cô H'Liên mong muốn là giúp học sinh dân tộc thiểu số khẳng định bản thân, từ đó lan tỏa tinh thần học tập. Nói về quyết định theo học sau đại học, cô H'Liên bộc bạch, đó một phần cũng là vì học sinh. Cô nói: “Với học sinh dân tộc thiểu số, 10 lời nói ra không bằng một hành động. Tôi nỗ lực học lên là để làm gương cho các em, để các em không còn tự ti”.
Nói về cô giáo Siu H'Liên, thầy Võ Thành Nguyên-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Hạnh phúc lớn nhất của nhà giáo là được học sinh yêu quý và cô H'Liên đang được tận hưởng niềm hạnh phúc ấy. Về mặt chuyên môn, cô H'Liên rất nghiêm túc rèn luyện nâng cao nghiệp vụ, tận tâm truyền đạt kiến thức cho học sinh không chỉ trên bục giảng mà ở mọi nơi, mọi lúc khi học trò cần. Hình ảnh cô H'Liên cùng học trò ôn bài dưới tán cây từ lâu đã trở nên quen thuộc với giáo viên và học sinh trong trường. Là thủ trưởng đơn vị, tôi rất tự hào về những giáo viên như cô HLiên”.
 NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm