Khoa học - Công nghệ

Tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Gia Lai đang tích cực, chủ động, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0) để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17-4-2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2020 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1901/KH-UBND ngày 14-9-2020. Trong đó, tỉnh triển khai nhiều hoạt động như thúc đẩy phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực.

Cụ thể, UBND tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam về chuyển đổi số tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025 với các giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số… Viettel Gia Lai, Viễn thông Gia Lai đã cùng phối hợp xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.

Các doanh nghiệp ứng dụng nhiều công nghệ thông minh vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: H.D

Các doanh nghiệp ứng dụng nhiều công nghệ thông minh vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: H.D

Hoạt động ổn định của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) TP. Pleiku đã được người dân đánh giá cao. Anh Nguyễn Thế Hùng (28/10 Trần Quý Cáp, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) nhận xét: “Từ khi hệ thống camera giao thông được lắp đặt tại các ngã tư trọng điểm của thành phố kết nối với Công an thành phố phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông trên địa bàn đã giúp giảm tình trạng vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, tạo sự an toàn cho người dân khi tham gia giao thông. Tôi cũng đánh giá cao phần mềm VMS tập trung tích hợp các camera an ninh của các xã, phường về Trung tâm Điều hành đô thị thông minh để giám sát, giúp tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố đảm bảo hơn”.

Việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được tỉnh chú trọng. Theo đó, tỉnh đã nâng cấp, cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh theo khung kiến trúc chính phủ điện tử phiên bản 2.0.

Một số dự án đầu tư nhằm phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được xây dựng như: Trung tâm giám sát điều hành thông minh, cơ sở dữ liệu, dịch vụ đô thị thông minh, phát triển hạ tầng cơ sở thông tin KH-CN phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng chính quyền điện tử tiến tới xây dựng chính quyền số (đầu tư trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng; đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển các hệ thống thông tin phục vụ chính quyền điện tử, chính quyền số; xây dựng cơ sở dữ liệu cổng thông tin điện tử và ứng dụng du lịch thông minh; đầu tư cơ sở hạ tầng khu vườn ươm, trung tâm đổi mới sáng tạo làm trọng điểm tại tỉnh Gia Lai...).

Kỹ thuật viên xử lý thông tin hình ảnh qua camera tại Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy

Kỹ thuật viên xử lý thông tin hình ảnh qua camera tại Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy

Ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở KH-CN-cho biết: “Tỉnh đã đưa Cổng thông tin cơ sở dữ liệu KH-CN Gia Lai vào hoạt động, tiếp tục khai thác thông tin KH-CN trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về KH-CN, xây dựng và khai thác hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc, hệ thống cơ sở dữ liệu GIS và Atlas điện tử tỉnh Gia Lai, điểm kết nối cung-cầu công nghệ tỉnh; phối hợp Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đặt trạm khai thác thông tin và dịch vụ sở hữu công nghiệp (IPPlatform) tại Sở KH-CN”.

Đối với việc phát triển nguồn nhân lực, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đều đã bố trí công chức, viên chức được đào tạo về công nghệ thông tin, quản trị mạng. Hiện có 1.604 tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập tại 17 huyện, thị xã, thành phố nhằm hỗ trợ người dân trong tiếp cận công nghệ số. Một số chính sách để phát triển các ngành công nghệ ưu tiên cũng được Gia Lai chú trọng như: hỗ trợ, thu hút đầu tư các dự án ưu tiên; phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh...

Hiện 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử. Một số đơn vị đã triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi tỉnh, Bệnh viện 331, Trung tâm Y tế TP. Pleiku, huyện Phú Thiện, Đak Đoa, Kbang.

Gia Lai đang đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai đang đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử. Ảnh: Hà Duy

Chính sách hội nhập quốc tế cũng ngày càng được đẩy mạnh. Ông Nguyễn Hữu Nguyên-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Thời gian qua, tỉnh chú trọng tổ chức chương trình quảng bá, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại tại nước ngoài như “Diễn đàn hợp tác kết nối đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, du lịch tỉnh Gia Lai tại Hàn Quốc”; các hội nghị, hội thảo giao lưu, gặp gỡ, làm việc với các tổ chức, đối tác nước ngoài được tổ chức trong và ngoài tỉnh...

Để đẩy mạnh chuyển đổi số, chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long cho hay: “Tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực thực hiện chuyển đổi số, trong đó, nguồn lực nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, kích thích sự tham gia, đóng góp từ các doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân thông qua các chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển chuyển đổi số”.

Có thể bạn quan tâm