Tăng cường thanh kiểm tra thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Để tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra ATTP  tại các tỉnh, thành phố trọng điểm về ATTP, nhất là các cửa khẩu.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP Trung ương sẽ thành lập 6 đoàn, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trong dịp Tết này. Các đoàn thanh kiểm tra sẽ tập trung đôn đốc, thanh kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương ở các địa phương, chứ không làm thay địa phương trực tiếp đi thanh tra cơ sở. Nếu địa phương nào không thực hiện nghiêm túc, Bộ Y tế sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ có hình thức xử lý.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ sở kiểm nghiệm dịp Tết này, phải ưu tiên nguồn lực để kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm do các đoàn than tra gửi đến để có kết quả sớm, thông báo công khai tới người dân cơ sở làm tốt, cơ sở chưa đạt an toàn thực phẩm để người dân biết và lựa chọn.

Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết, trong dịp Tết, người dân thường có thói quen tích lũy nhiều thực phẩm trong nhà, nhất là các loại thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng nhiều như bánh kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, cá, rau củ quả...

Tuy nhiên, ở các tỉnh miền Bắc, dịp Tết Nguyên đán hay có mưa phùn, thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên nhiều thực phẩm rất dễ mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng. Đặc biệt là các loại hạt có dầu thường dùng nhiều trong dịp này như hướng dương, hạt đậu tương, đậu phộng, lạc... rất dễ nấm, mốc.

Ở miền Nam, thời tiết nóng, nhiệt độ cao, cũng khiến các sản phẩm có nhiều đạm như thịt, cá, cua, tôm... rất dễ ôi thiu.

Lãnh đạo Cục ATTP khuyến cáo người dân không nên tích lũy nhiều thực phẩm trong mấy ngày Tết. Hiện nay, các sản phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ quả… luôn sẵn có, đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết, trong dịp Tết, các thực phẩm có sức tiêu thụ tăng gấp 10 lần ngày bình thường như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát...có thể làm giả, làm nhái rất nhiều, không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng, vì vậy, người dân không nên dùng rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo… trôi nổi trên thị trường.

Cùng đó, thời tiết mưa ẩm trong dịp này cũng khiến thực phẩm rất nhanh bị ẩm mốc, hư hỏng. Tất cả khiến nguy cơ mất ATTP dịp này rất lớn.

Ngọc An/CLXH

Có thể bạn quan tâm