Xã hội

Gia đình

Tăng cường truyền thông về kế hoạch hóa gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhờ tích cực tuyên truyền, những năm gần đây, nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh về chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, quan niệm lạc hậu về việc sinh đẻ ở một số nơi cùng nhiều yếu tố khách quan khác đã gây ra nguy cơ tăng dân số trở lại.

Lễ phát động Chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS-KHHGĐ) năm 2018 tổ chức tại huyện Đak Pơ mới đây một lần nữa thể hiện rõ quyết tâm của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh trong việc phối hợp, chung tay thực hiện mục tiêu giảm sinh, ổn định quy mô và nâng cao chất lượng dân số.

 

Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ. Ảnh: N.N
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ. Ảnh: N.N

Theo đó, chiến dịch được tổ chức nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nâng cao cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ địa bàn các xã, phường, thị trấn thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đặc biệt là các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa; xã có mức sinh cao. Mục tiêu đặt ra tại các xã thực hiện chiến dịch là đảm bảo 65% chỉ tiêu kế hoạch năm về triệt sản; 75% về đặt dụng cụ tử cung; 60% về thuốc tiêm và cấy tránh thai; 95% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin, tư vấn nâng cao hiểu biết về CSSKSS-KHHGĐ.

Công tác tuyên truyền được nhấn mạnh với các hình thức đa dạng như tuyên truyền lưu động, tuyên truyền nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp và vận động tại nhà nhằm tăng tính hiệu quả đối với các nội dung như: lợi ích của việc sử dụng các biện pháp tránh thai, cách phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản. Ngoài ra, các hình thức tuyên truyền khác như phát tờ rơi, treo băng rôn, áp phích, khẩu hiệu cũng được chú trọng.

Là địa phương được chọn làm điểm phát động chiến dịch lần này, ông Nguyễn Trọng Thủy-Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Những năm qua, Đak Pơ đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh đủ 2 con và nuôi dạy cho tốt”. Hiện nay, chính sách dân số đã đi vào cuộc sống của nhân dân trong huyện và mang lại nhiều kết quả khả quan, nhận thức của người dân thay đổi theo chiều hướng tích cực; tỷ suất sinh thô giảm từ 18,4‰ năm 2011 xuống còn 15‰ năm 2017; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 64,2% năm 2011 lên 68% năm 2017. Hàng năm, Ban Chỉ đạo thực hiện công tác dân số (DS)-KHHGĐ huyện Đak Pơ đều triển khai chiến dịch tuyên truyền đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn. Dịch vụ KHHGĐ đã được đa dạng hóa, mạng lưới cung cấp dịch vụ lâm sàng và phi lâm sàng đáp ứng tận thôn, làng và hộ gia đình, chất lượng nâng lên, ngày càng đáp ứng nhu cầu của các đối tượng.

Tuy nhiên, trên thực tế công tác dân số tại huyện Đak Pơ vẫn còn nhiều khó khăn như: tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản còn cao, đặc biệt là phụ nữ ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số; huyện chưa thực hiện được các dịch vụ kỹ thuật cao trong CSSKSS-KHHGĐ như triệt sản, tầm soát phát hiện hoặc điều trị sớm ung thư phụ khoa; phát hiện chẩn đoán, điều trị vô sinh.

Ông Lê Ngọc Lân-Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho rằng, tuyên truyền là giải pháp giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, xóa bỏ những quan niệm lạc hậu trong lĩnh vực sinh đẻ; giúp người dân thấy rõ lợi ích và tự nguyện thực hiện các biện pháp tránh thai; giảm mức sinh, nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống… Từ đó, các mục tiêu đề ra trong công tác DS-KHHGD sẽ đạt nhiều kết quả và bền vững. Muốn làm tốt  công tác này trước tiên phải chủ động kinh phí tuyên truyền, nhưng theo ông Lân, đến thời điểm này kinh phí tuyên truyền năm 2018 vẫn chưa có.

Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ tại các địa phương tuy đã được củng cố, hoàn thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập; trong đó, chế độ thù lao của đội ngũ cộng tác viên DS được hưởng hàng tháng (vùng 3 hưởng 150.000 đồng/tháng, các vùng còn lại hưởng 100.000 đồng/tháng) là chưa tương xứng với công sức nên nhiều người chưa nhiệt tình với công việc. Cơ sở vật chất hiện có của nhiều cơ sở y tế cũng chưa đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ KHHGĐ chất lượng cao.

Ngoài ra, hiện đối tượng được cấp phát phương thức tránh thai miễn phí chỉ ưu tiên cho những hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách. Các đối tượng không thuộc diện nêu trên sẽ phải tự chủ kinh phí trong khi nhận thức của người dân còn hạn chế, vẫn phụ thuộc vào các dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ miễn phí… Do đó, việc triển khai xã hội hóa trong cung cấp gói dịch vụ này gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn tới các chỉ tiêu về dân số của tỉnh.

Như Ý

Có thể bạn quan tâm