Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Tăng giá điện: Bao nhiêu và khi nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Quyết định 02/2023 về khung giá bán lẻ điện bình quân vừa được Chính phủ ban hành, từ ngày 3-2, giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu tăng 220 đồng/KWh và tối đa tăng 538 đồng/KWh, tương đương tỉ lệ tăng lần lượt là 13,7% và 28,2%. Đây chỉ là cơ sở cho các đơn vị, cơ quan liên quan xem xét, hiệp thương để đưa ra mức tăng riêng cho từng khu vực tiêu dùng.

Về mức tăng cụ thể, cần cân đối giữa nhu cầu phát triển của nền kinh tế, sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp (DN) sản xuất - kinh doanh với chi phí, giá thành kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Mặc dù EVN là DN nhà nước song vẫn phải bảo đảm hoạt động hiệu quả, không có lỗ thì mới hoàn thành nhiệm vụ. Giá bán lẻ điện được giữ nguyên từ tháng 3-2019 đến nay, tức 4 năm, trong khi hàng loạt chi phí đầu vào của ngành điện như giá than, dầu, tỉ giá... biến động mạnh. Như vậy, khó có thể trì hoãn tăng giá bán lẻ điện lâu hơn nữa.

Tuy nhiên, tăng ở mức nào là hợp lý để không ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân cũng như nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi thì cần xem xét, tính toán kỹ lưỡng. Lưu ý tinh thần là không tăng giá điện "giật cục" gây sốc cho nền kinh tế.

Thời điểm tăng giá điện cũng là vấn đề cần xem xét. Trong lần đề xuất gần nhất, EVN "đòi" tăng giá điện vào tháng 11 hoặc 12-2022 với lý do lạm phát khi đó được kiểm soát ở mức thấp, nếu tăng giá điện sẽ ít ảnh hưởng đến lạm phát chung cả năm 2022. Tuy vậy, tăng giá điện vào thời điểm cuối năm là hết sức rủi ro bởi đó là giai đoạn cao điểm sản xuất của DN, áp lực chi phí rất lớn; còn người dân cũng chi tiêu mạnh phục vụ nhu cầu Tết. Ngoài ra, không nên tăng giá điện vào giữa năm khi tiêu thụ điện vào mùa tăng mạnh, nếu tăng giá điện sẽ khiến hóa đơn tiền điện của người dân tăng vọt theo bậc thang lũy tiến.

Thông thường, thời điểm thuận lợi nhất để tăng giá điện là khoảng tháng 3, tháng 4 hằng năm. Lúc này, đợt cao điểm sản xuất hàng Tết và chi tiêu phục vụ Tết của người dân đã qua, lại chưa đến mùa nắng nóng phải dùng nhiều điện. Song riêng với năm nay, trong bối cảnh DN đang gặp nhiều khó khăn, nhất là khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng và lãi suất còn duy trì ở mức cao, việc tăng giá điện ngay trong những tháng đầu năm có thể ảnh hưởng đến hoạt động của DN, khiến giá thành hàng hóa tăng và người tiêu dùng cuối chịu thiệt. Nếu buộc phải tăng giá điện sớm, có thể xem xét mức tăng thấp nhất có thể để giảm bớt phần nào áp lực cho người dân, DN.

Dưới góc độ vĩ mô, lạm phát trên toàn cầu có dấu hiệu tạm ngừng leo thang song lãi suất chưa giảm. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến giảm tốc tăng lãi suất nhưng vẫn sẽ có vài đợt tăng trong năm nay, kéo theo giá USD tăng và tác động đến tỉ giá USD/VNĐ tăng. Việt Nam với độ mở của nền kinh tế sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với rủi ro từ diễn biến khó lường ở bên ngoài. Việc cân nhắc tăng giá điện ở mức bao nhiêu và vào thời điểm nào cần được tính toán kỹ để không ảnh hưởng đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã được Quốc hội thông qua.

Phương Nhung ghi

PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH

(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm