Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Tăng nguồn cung, giữ ổn định thị trường Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với mục tiêu không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán 2024, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại lớn trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chủ động làm việc với các nhà sản xuất, đơn vị cung cấp chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Giá một số mặt hàng nông sản như: cà phê, hạt điều, gạo, mía đường… tăng so với năm trước nên dự báo sức mua sẽ tăng vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2024.

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo dự trữ của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh thương mại và kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2024 của các địa phương, trong tháng 12 này, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại lớn trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa và bắt đầu nhập kho.

Dự kiến, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 1 và tháng 2-2024 ước đạt 33.500 tỷ đồng. Trong đó, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 1-2024 ước đạt 16.000 tỷ đồng (tăng 11,73% so với tháng 12-2023); tháng 2-2024 ước đạt 17.500 tỷ đồng (tăng 22,2% so với tháng 12-2023 và tăng 9,38% so với tháng 1-2024).

Với kế hoạch này, dự kiến tổng lượng hàng hóa đối với nhóm lương thực, thực phẩm trị giá hơn 9.463 tỷ đồng; nhóm nguyên liệu, vật liệu hơn 9.944 tỷ đồng; nhóm hàng công nghiệp tiêu dùng 1.698 tỷ đồng; hàng may mặc 8.586 tỷ đồng; hoa Tết 47 tỷ đồng; hàng hóa dịch vụ khác 3.808 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Hiện nay, Sở đã đôn đốc doanh nghiệp đầu mối, siêu thị, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh chuẩn bị nguồn hàng, có kế hoạch phân bổ hàng cho đại lý trực thuộc nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân, không để thiếu hàng, sốt giá.

Sở cũng đã yêu cầu các siêu thị, doanh nghiệp kinh doanh thương mại tích cực phối hợp tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn với những ngành hàng thiết yếu như thực phẩm công nghệ, hàng may mặc, hàng điện tử, điện lạnh phục vụ nhu cầu đón Tết của người dân vùng sâu, vùng xa; vận động các doanh nghiệp tăng cường tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm đáp ứng tốt nhu cầu và quyền lợi của người tiêu dùng.

Đồng thời, Sở yêu cầu các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai phân phối hàng cho hệ thống bán lẻ, đại lý của công ty và tham gia đưa hàng hóa về vùng sâu, vùng xa; các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối và thương nhân phân phối có kế hoạch dự trữ, phân bổ nguồn hàng cho hệ thống cửa hàng trực thuộc và hệ thống đại lý theo quy định, đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Công ty Điện lực Gia Lai đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, ổn định và có phương án dự phòng cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là nơi công cộng diễn ra lễ hội, khu vui chơi…

Hiện nay, các doanh nghiệp đầu mối lớn, các siêu thị đã bắt đầu nhập hàng về kho để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Ảnh: V.T

Hiện nay, các doanh nghiệp đầu mối lớn, các siêu thị đã bắt đầu nhập hàng về kho để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Ảnh: V.T

Ông Phạm Ngọc Thạch-Giám đốc Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí PV Oil miền Trung tại Gia Lai-cho hay: Công ty đang có thị phần khoảng 30% với 20 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc hệ thống và 75 cửa hàng nhượng quyền thương mại. Sản lượng xăng dầu tiêu thụ bình quân đạt khoảng 5.000 m3/tháng.

Nhu cầu nhiên liệu sản xuất và tiêu dùng trong tháng cận Tết dự báo sẽ tăng, song mức tăng không lớn như những ngành hàng khác. Để đảm bảo nguồn xăng dầu cung ứng ra thị trường, Công ty đã dự trữ trong tháng 2 khoảng 11.000 m3 (5.400 m3 xăng, 5.600 m3 dầu) với tổng trị giá 244,3 tỷ đồng.

Với các doanh nghiệp thương mại, cuối năm là mùa kinh doanh cao điểm. Ngoài đảm bảo nguồn hàng tốt phục vụ người dân, đây là thời điểm để doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng. Là hệ thống bán lẻ lớn trên địa bàn tỉnh, Siêu thị Co.op Mart Pleiku đã chuẩn bị chu đáo nguồn hàng hóa dự trữ phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Bà Nguyễn Thị Diệu Trinh-Tổ trưởng Tổ marketing Siêu thị Co.op Mart Pleiku-thông tin: “Siêu thị đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa trị giá khoảng 110 tỷ đồng, bằng với mức dự trữ năm ngoái.

Theo đó, Siêu thị tập trung tăng nguồn hàng chủ yếu ở nhóm có nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, lương thực, nước giải khát, bánh kẹo, mứt, hóa phẩm, may mặc, đồ dùng gia đình…

Dự kiến đến giữa tháng 1-2024, sức mua mới bắt đầu tăng mạnh. Siêu thị kỳ vọng sức mua sẽ tăng 20-30% so với tháng kinh doanh bình thường. Hiện nay, Siêu thị bắt đầu nhập hàng hóa về kho và sẽ nhập liên tục theo kế hoạch đã xây dựng, chốt giá với nhà cung cấp.

Để đảm bảo chất lượng hàng hóa nhập vào trước khi đưa lên quầy kệ, Siêu thị đã tăng cường tần suất kiểm tra lên gấp 2-3 lần so với ngày thường”.

Siêu thị Co.op Mart Pleiku chuẩn bị chu đáo nguồn hàng dự trữ và triển khai nhiều ưu đãi giảm giá trực tiếp trên sản phẩm. Ảnh: V.T

Siêu thị Co.op Mart Pleiku chuẩn bị chu đáo nguồn hàng dự trữ và triển khai nhiều ưu đãi giảm giá trực tiếp trên sản phẩm. Ảnh: V.T

Cũng theo bà Trinh, để kích cầu tiêu dùng, Siêu thị đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm, trong đó nổi bật là chương trình “Đến Co.op chở Tết về” được kéo dài liên tục trong 59 ngày, bắt đầu từ 13-12-2023 đến 9-2-2024 (30 Tết).

Theo đó, Siêu thị sẽ áp dụng giảm giá trực tiếp cho hơn 10.000 sản phẩm Tết với mức giảm sâu, kèm chương trình tặng quà, tặng điểm thưởng, tặng phiếu quà tặng… nhằm bình ổn giá cả thị trường trong giai đoạn cao điểm cuối năm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Trao đổi với P.V, Giám đốc Sở Công thương cho biết thêm: Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp có kế hoạch tập kết hàng hóa về kho dự trữ trong tháng 12-2023, trong đó, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như: nguyên nhiên liệu, năng lượng, lương thực, thực phẩm, bánh mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, văn hóa phẩm, hàng may mặc...

Vận động và đôn đốc doanh nghiệp có kế hoạch tham gia dự trữ hàng hóa, khai thác tối đa kho hàng nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2024 với phương châm không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống diễn biến phức tạp của thị trường.

Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh trao đổi thông tin, tháo gỡ những khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết và thực hiện chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng, tăng sức mua, giúp người có thu nhập thấp tiếp cận mặt hàng bình ổn giá phục vụ cho nhu cầu thiết yếu.

Đồng thời, với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Sở trao đổi thông tin phối hợp Cục Quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng kiểm tra về giá, thương mại điện tử, chất lượng sản phẩm, quy định về an toàn thực phẩm, hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, nhất là tại khu vực biên giới.

Có thể bạn quan tâm