Thời sự - Bình luận

Tăng nội lực cho doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bức tranh kinh tế cả nước tháng 5-2023 vừa được công bố với những số liệu dù chưa thật sự tích cực nhưng đã có nhiều điểm sáng.

Những chỉ số về sản xuất công nghiệp, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa, xuất nhập khẩu... đã có nhiều cải thiện so với các tháng đầu năm 2023 và cùng kỳ năm trước.

Quan trọng hơn, các chính sách điều hành của Chính phủ thời gian qua đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế chuyển biến tốt hơn trong trung hạn. Đơn cử, thị trường bất động sản thời gian qua gặp nhiều khó khăn sau những chính sách "nắn dòng" vốn tín dụng, chấn chỉnh trái phiếu doanh nghiệp… Nhưng về lâu dài, dòng vốn của nền kinh tế sẽ không chỉ đổ vào bất động sản mà còn lan tỏa sang các ngành sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, các lĩnh vực ưu tiên hơn của nền kinh tế. Bất động sản vẫn đóng góp tích cực cho bộ mặt đô thị ở các thành phố lớn nhưng theo hướng bền vững hơn, thay vì giá nhà đất tăng "nóng" như khoảng 5 năm qua, khiến dòng tiền của người dân và doanh nghiệp chỉ nhắm vào đó.

Trên thế giới, tín hiệu tích cực gần đây là lạm phát ở Mỹ và châu Âu đã hạ nhiệt, nhu cầu tiêu dùng đang hồi phục. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước có đơn hàng trở lại.

Đối với doanh nghiệp, đã có những tín hiệu tích cực, nhất là việc Ngân hàng Nhà nước 3 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành, kéo mặt bằng lãi suất đi xuống. Lãi suất cho vay giảm cho thấy chính sách điều hành về tiền tệ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phát huy hiệu quả trong việc xử lý bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Lãi suất cho vay giảm, doanh nghiệp có thể không hết khó khăn ngay lập tức, tiếp cận được vốn rẻ ngay lập tức, song là dấu hiệu cho thấy đã có sự chuyển biến. Riêng bản thân doanh nghiệp, để tiếp tục vượt qua khó khăn, ngoài sự hỗ trợ của chính sách thì cần sự nỗ lực của từng đơn vị bằng cách tăng nội lực.

Cụ thể, từng doanh nghiệp phải tái cấu trúc mạnh mẽ; chấp nhận có những doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động để làm lại, chuyển sang lĩnh vực khác tích cực hơn, triển vọng hơn. Thời kỳ "tiền rẻ", lãi suất thấp, huy động vốn dễ dàng trên thị trường trái phiếu, doanh nghiệp hoạt động ở những ngành thâm dụng vốn cao… đã qua. Doanh nghiệp cần chuẩn bị và xây dựng chiến lược bài bản ở những ngành có triển vọng. Việc sàng lọc của thị trường là cần thiết. Trong khó khăn, sẽ có cơ hội cho những doanh nghiệp được cấu trúc tốt; cần mạnh mẽ cắt giảm các mảng, phân khúc không cần thiết, tập trung vào lĩnh vực cốt lõi, không dàn trải… để có cơ hội trong thời gian tới.

Thậm chí, tính toán sản xuất - kinh doanh để có lợi nhuận trong thời điểm khó khăn này có thể không thiết thực bằng việc chấp nhận duy trì hoạt động chỉ cần hòa vốn nhưng giữ được thị phần, giữ được khách hàng. Khi doanh nghiệp tốt lên, ngân hàng sẽ tự động tìm đến để cho vay. Ngoài ra, có rất nhiều kênh để huy động vốn đầu tư, thay vì chỉ trông chờ vào vốn tín dụng ngân hàng.

Trong khi chờ các chính sách vĩ mô hỗ trợ từ phía Chính phủ, doanh nghiệp cần chủ động tái cấu trúc để có thể "đón sóng" phục hồi kinh tế trong vài tháng tới. Doanh nghiệp nào tận dụng tốt sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Theo Thái Phương ghi (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm