Thời sự - Bình luận

'Tăng tinh, giảm thô'- cú hích tăng trưởng nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong vòng 5-10 năm gần đây, xuất khẩu của ngành nông nghiệp vẫn đảm bảo tăng trưởng, trung bình khoảng 8% mỗi năm, nhưng có thể nói là rất bấp bênh và kém xa giai đoạn trước (có năm tăng tới 24%).

Tăng trưởng GDP trong ngành nông nghiệp cũng khá thấp (trung bình chỉ khoảng 3%) và được cảnh báo là có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Mặc dù nông nghiệp vẫn được xác định là “trụ đỡ” của nền kinh tế và vẫn tăng trưởng, nhưng rõ ràng là điều không vui khi nhiều năm qua, Việt Nam vẫn luôn tự hào được xếp thứ nhất thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, hạt điều; thứ 2 về xuất khẩu gạo, cà phê; thứ 3 về cao su, thứ 5 về gỗ và lâm sản…

Dù có nhiều sản phẩm nông nghiệp đứng tốp đầu xuất khẩu, nhưng giá trị mang lại khá thấp (giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng năm thường chỉ

chiếm chưa đến 1/6 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam). Đành rằng không thể so sánh tỷ trọng giá trị của nông nghiệp với công nghiệp, nhưng lẽ ra giá trị mà ngành nông nghiệp đem lại có thể còn cao hơn nữa nếu chúng ta khai thác được tối đa dư địa còn bỏ trống, để tạo ra thêm nhiều giá trị tăng thêm trong nông nghiệp.

Tại sao giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp lại thấp? Là bởi vì lâu nay, mặc dù đã có chủ trương, quyết sách thúc đẩy xuất khẩu “tăng tinh, giảm thô”, nhưng thực tế sản lượng xuất nguyên liệu thô của chúng ta vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn. Tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, chỉ chiếm 15%-30% (tùy ngành hàng). Ngay cả những mặt hàng nông sản “tỷ đô” như cà phê (xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới), tỷ lệ xuất nguyên liệu thô lên tới 90%; cao su (đứng thứ 3 thế giới) xuất thô 80%; hồ tiêu (đứng nhất thế giới) xuất thô 85%-90%; rau quả cũng xuất thô 90%; chỉ có một số mặt hàng có tỷ lệ chế biến cao như lúa gạo (55%-60%), chè (40%)… Bán hàng thô cho nước ngoài làm nguyên liệu thì không thể mong có giá cao, nên giá trị thương mại không tương xứng với sản lượng là đương nhiên.

Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, giá trị tạo ra từ khâu sản xuất thô chỉ chiếm 12%-13%, còn lại hơn 80% giá trị lại nằm ở những khâu khác như chế biến, thương mại... Nếu khai thác được hết, Việt Nam có thể hình thành một nền kinh tế nông nghiệp có giá trị tăng thêm cao. Về lâu dài, chúng ta không thể tiếp tục đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu nếu chỉ dựa vào tăng sản lượng, xuất nguyên liệu thô. Do đó, nông nghiệp đa giá trị, chế biến sâu, nông nghiệp tuần hoàn… là hướng đi của tương lai, cú hích để tăng trưởng nông nghiệp. Vấn đề này, trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, những năm qua, Đảng và Nhà nước cũng đã kịp thời có các quyết sách. Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định phát triển nền nông nghiệp bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch... Từ khi có nghị quyết mới đến nay, mặc dù ở nhiều địa phương đã chú trọng hơn hoặc đang manh nha tăng hàm lượng chế biến sâu, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH-CN, tích hợp đa giá trị… vào sản xuất, nhưng tiến độ còn rất chậm, nên kết quả không được như kỳ vọng.

Để gia tăng giá trị cho nông sản, nhất là nông sản xuất khẩu, Nhà nước cần nghiên cứu thêm cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến. Nhà nước hỗ trợ về vốn, lãi suất, quy hoạch vùng nguyên liệu xuất khẩu, nhưng chính doanh nghiệp phải năng động hơn trong bài toán đầu tư công nghệ, chiến lược chế biến, tích hợp giá trị, liên kết với nông dân và thị trường, xây dựng thương hiệu... Về lâu dài, Nhà nước có thể ban hành những định chế để hạn chế doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thô ra nước ngoài, cần có tiêu chí về hàm lượng chế biến sâu trong nông sản xuất khẩu, để tạo ra cú hích cho tăng trưởng nông nghiệp.

Có thể bạn quan tâm