GS Bùi Thị An cũng cho rằng, Bộ luật Lao động sửa đổi tiếp cận theo hướng mới, đó là tạo quyền bình đẳng được làm việc cho cả hai giới.
Phát biểu tại hội thảo tham vấn góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Nữ trí thức Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội, GS.TS Bùi Thị An (Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội) cho rằng, việc điều chỉnh tăng độ tuổi nghỉ hưu theo phương án của Dự thảo Bộ luật Lao động là hợp lý. Việc tăng tuổi hưu với riêng nữ giới có ý nghĩa như khắc phục hạn chế trong quy hoạch, cấp ủy, tránh tình trạng “đầu vào” như nhau nhưng “đầu ra” hạn chế.
GS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội.
Theo dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, đối với nhóm lao động trong điều kiện bình thường sẽ điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình cho đến khi nam 62 tuổi và nữ 60 tuổi. Dự thảo đặt ra 2 phương án. Cả 2 phương án đều là các lộ trình tăng chậm để tránh gây sốc cho xã hội. Tuy nhiên đối với phương án 1 thì lộ trình đối với nam là 8 năm, nữ là 15 năm; phương án 2 thì lộ trình đối với nam là 6 năm và nữ là 10 năm.
Phương án 1: Kể từ ngày 1/12021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Đối với nhóm lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt, dự thảo quy định có quyền nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu. Như vậy, tuổi nghỉ hưu của nhóm này cũng sẽ tăng lên 5 năm đối với nữ và 2 năm đối với nam so với hiện hành. Đồng thời, dự thảo cũng không quy định quyền nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hợp đối với nhóm lao động vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo khỏi nhóm lao động này.
Đối với nhóm lao động có chuyên môn kỹ thuật cao, làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt có quyền nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu.
Theo quan điểm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đây là nhóm nhân lực nữ chất lượng cao, tích lũy đủ kiến thức, kinh nghiệm để tiếp tục lao động, cống hiến cho xã hội. Hiện nay, thực hiện Nghị định 141/2013/NĐ-CP, Nghị định số 53/2015/NĐ-CP, một số nhóm đối tượng được nghỉ hưu ở độ tuổi 60 bằng với nam giới đã góp phần tăng tỷ lệ cán bộ nữ, phát huy vai trò, đóng góp nhiều công sức, trí tuệ cho đất nước. TS Nguyễn Thanh Xuân (Chi hội Nữ tri thức ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, với đội ngũ trí thức cao, nên mở rộng phạm vi điều chỉnh ở Nghị định 141 của Chính phủ để tạo điều kiện cho họ được làm việc và cống hiến.
Cũng tại hội thảo, nội dung về chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi nhận được sự quan tâm của các đại biểu. Bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng ban Chính sách Pháp luật (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho biết: Từ sự đánh giá tổng kết việc thực hiện các quy định riêng đối với lao động nữ, tạo ra những rào cản nhất định cho lao động nữ và chưa đảm bảo việc thúc đẩy bình đẳng giới, Dự thảo đã sửa đổi Chương X các quy định riêng đối với lao động nữ của Bộ luật Lao động năm 2012 thành Chương X Những quy định riêng đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới, theo đó các quy định liên quan đến trách nhiệm gia đình đều đã được quy định cho cả lao động nam và nữ.
Bà Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, Bộ luật Lao động (sửa đổi) tác động đến nhiều người. Vì thế, các nội dung cần được cân nhắc, thảo luận lấy ý kiến đóng góp của đông đảo quần chúng nhân dân. Một trong những điểm mới của dự thảo Bộ luật Lao động nhận được sự quan tâm của nhiều người chính là việc điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu. “Bộ luật Lao động phải đảm bảo quyền lợi cho tất cả người lao động, đặc biệt là lao động nữ, tạo bình đẳng thực chất. Các quy định của Bộ luật đưa ra có tính khả thi cao”, bà Thanh Cầm khẳng định.
Vân Khánh (Dân sinh)