Tạo đồng thuận trong việc sáp nhập các đơn vị trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm học 2018-2019 tới, trên địa bàn tỉnh sẽ có 55 đơn vị trường học từ bậc học mầm non đến THCS được sáp nhập. Để tạo sự đồng thuận cao nhất, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên, nhân viên; giải đáp kịp thời những thắc mắc để nhiệm vụ tinh gọn bộ máy quản lý diễn ra được thuận lợi.
Theo quy định, việc sáp nhập sẽ được tiến hành ở những trường có quy mô nhỏ dưới 10 lớp, cơ sở vật chất không quá xa nhau. Cấp học nhỏ sẽ chịu sự quản lý của cấp học lớn hơn. Ví dụ: Trường THCS sáp nhập vào trường THPT sẽ phải chịu sự quản lý chung của Hiệu trưởng trường THPT. 2 trường đồng cấp sáp nhập vào nhau thì lãnh đạo trường sẽ do cấp trên chỉ định.
 Sở Giáo dục và Đào tạo làm việc với Trường THCS Nay Der và Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Chư Sê)-2 đơn vị sẽ sáp nhập trong năm học tới. Ảnh: N.G
Sở Giáo dục và Đào tạo làm việc với Trường THCS Nay Der và Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Chư Sê)-2 đơn vị sẽ sáp nhập trong năm học tới. Ảnh: N.G
Làm tốt công tác tư tưởng
Trường THCS Ia Khươl và Trường THPT Phạm Hồng Thái (huyện Chư Pah) đều có quy mô dưới 10 lớp nên trong năm học tới sẽ được sáp nhập thành Trường THCS và THPT Phạm Hồng Thái, thuộc sự quản lý trực tiếp của Sở GD-ĐT. 2 trường có cơ sở vật chất nằm sát nhau, là điều kiện thuận lợi cho công tác sáp nhập. Tuy nhiên, đả thông tư tưởng của cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường THCS Ia Khươl vẫn là điều được các cấp quan tâm. Trong quá trình làm đề án sáp nhập, Trường THCS Ia Khươl thừa 1 cán bộ quản lý, 4 giáo viên và 2 nhân viên (thư viện và bảo vệ). Hiểu được tâm lý lo lắng của đơn vị sáp nhập, Phòng GD-ĐT huyện Chư Pah đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ để làm tốt công tác tư tưởng.
Bà Hồ Thị Thảo-Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Chư Pah cho biết: “Riêng việc đang trực thuộc sự quản lý trực tiếp của Phòng GD-ĐT nay trở thành người của Sở GD-ĐT đã là một sự thay đổi lớn trong tâm lý cán bộ, giáo viên cấp THCS. Do đó, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ để giải đáp các thắc mắc và phân tích những lợi ích trong việc sáp nhập. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đưa ra giải pháp cụ thể để sắp xếp lại vị trí việc làm cho số cán bộ, giáo viên dôi dư để anh em yên tâm, bởi công tác ở đâu cũng là phục vụ giáo dục tỉnh nhà”. Cũng theo bà Hồ Thị Thảo, việc sắp xếp lại vị trí cho số cán bộ, giáo viên dôi dư hiện cũng gặp không ít khó khăn nhưng với quyết tâm cao, UBND huyện đang tạo mọi thuận lợi để việc  sáp nhập diễn ra suôn sẻ.
Thầy Nguyễn Tấn Chớ, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Ia Khươl cho rằng: “Sau nhiều năm gắn bó, tôi cũng thấy buồn khi phải rời xa ngôi trường này, nhưng được sự động viên của cấp trên và nhận thấy đây là nhiệm vụ phải làm nên không chỉ bản thân tôi mà giáo viên, nhân viên Trường THCS Ia Khươl đều nghiêm túc thực hiện. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã làm công tác tư tưởng cho học sinh trong những buổi sinh hoạt chung toàn trường”.
Cần nâng cao năng lực quản lý giáo dục
Việc sáp nhập các trường thành đơn vị nhiều cấp học đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa năng lực quản lý. Đây được coi là một thách thức bên cạnh những lợi ích thiết thực trong công tác sáp nhập trường. Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT phân tích: “Các trường sau khi sáp nhập có chung bộ máy quản lý, phục vụ và có 1 điểm trường chính, các điểm trường khác vẫn cơ bản giữ nguyên để đảm bảo khoảng cách đến trường của học sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT; đội ngũ giáo viên được sắp xếp, bố trí lại hợp lý, đảm bảo dạy đúng chuyên môn được đào tạo, đủ số tiết và có nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên, người quản lý cần có đủ năng lực, sự tinh tế để đưa một tập thể lớn đoàn kết đi lên, nâng cao chất lượng dạy và học”.
Cũng theo ông Lê Duy Định, Sở GD-ĐT sẽ lựa chọn kỹ lưỡng những người có năng lực, năng động trong công tác để giữ trọng trách đứng đầu các đơn vị trường học trực thuộc Sở sau khi sáp nhập. Đối với các đơn vị trực thuộc Phòng GD-ĐT và UBND các huyện, thị xã, thành phố, công tác bố trí cán bộ quản lý giáo dục cũng sẽ được thực hiện nghiêm túc. Thầy Phạm Ngọc Sách-giáo viên Thể dục Trường THCS Nay Der, đơn vị sẽ sáp nhập với Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Chư Sê) trong năm học tới-bày tỏ: “Sau khi sáp nhập, chúng tôi sẽ có Ban giám hiệu mới. Điều chúng tôi mong muốn là lãnh đạo nhà trường tạo điều kiện cho anh em công tác, quan tâm sâu sát ở cả 2 bậc học cũng như tâm tư, nguyện vọng của giáo viên và học sinh để điều hành đơn vị một cách hiệu quả nhất”.
Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm