(GLO)- Để giúp các em học sinh trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân khỏi vấn nạn xâm hại tình dục, Đoàn-Đội các cấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã mở nhiều lớp tập huấn và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía học sinh, phụ huynh.
Ngày 6-12, Thành Đoàn phối hợp với Hội đồng Đội TP. Pleiku tổ chức tập huấn kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục cho gần 300 học sinh của 19 trường tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố. Bắt đầu chương trình, khi cô Đỗ Quỳnh Trang-giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Huệ (phường Hội Thương) chia sẻ về nội dung buổi tập huấn, hầu hết các em học sinh đều tỏ vẻ ngại ngùng. Vì vậy, cô Trang đã đưa ra nhiều tình huống giả định, liên tục đặt câu hỏi tương tác cho học sinh, trong đó tập trung nhấn mạnh các câu hỏi: Như thế nào là quấy rối tình dục? Thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em có thể là ai? Đối tượng nào dễ bị xâm hại tình dục? Thủ phạm thường dụ dỗ trẻ em bằng hình thức nào?... Cô Trang chia sẻ: “Tình trạng xâm hại tình dục xảy ra ngày càng nhiều. Đáng nói là nhiều em vẫn chưa hình thành được những kỹ năng phòng vệ cơ bản. Sau khi bị xâm hại, các em không dám kể những điều đáng tiếc vừa xảy ra. Chính vì thế, lớp tập huấn được tổ chức nhằm nâng cao kiến thức cho các em để đề phòng bị xâm hại”.
Em Phạm Xuân Quân-học sinh Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) trả lời các câu hỏi tình huống của Ban tổ chức. Ảnh: P.L |
Theo đó, cô Trang đã thông tin cho các em về quy tắc “vùng đồ bơi”-đó là vùng được che kín khi mặc đồ bơi, đồng nghĩa với việc không ai được nhìn và chạm vào. Trong trường hợp đưa trẻ đi khám bệnh, bố mẹ phải giải thích kỹ càng việc khám-chạm vào vùng kín để làm gì, trước khi tiến hành phải được sự đồng ý của trẻ. Trong trường hợp bị xâm hại tình dục, ngoài gia đình và thầy cô, các em cần liên hệ với số điện thoại của những cơ quan có trách nhiệm giúp đỡ như: 111-tổng đài quốc gia về hỗ trợ, tư vấn cho trẻ em; 113-số điện thoại của cảnh sát phản ứng nhanh... “Các em cũng có thể liên hệ với tổ chức Đoàn-Đội các cấp hoặc cán bộ ngành Lao động-Thương binh và Xã hội các cấp và những người lớn mà các em tin cậy”-cô Trang thông tin thêm.
Trái ngược với sự ngại ngùng ban đầu, càng về sau, không khí lớp tập huấn càng cởi mở, thu hút các em tham gia thảo luận, tương tác. Em Phạm Xuân Quân (lớp 6/2, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, phường Yên Đổ) chia sẻ: “Lâu nay, em cứ nghĩ chỉ các bạn nữ mới bị xâm hại. Tuy nhiên qua chia sẻ của cô giáo thì em biết thêm thông tin các bạn nam cũng có thể là đối tượng bị xâm hại. Nhiều trường hợp người thực hiện hành vi xâm hại là người thân xung quanh em. Vì vậy em sẽ đề cao cảnh giác”.
Bên cạnh nâng cao kiến thức để phòng-chống xâm hại, các em học sinh còn được các thành viên Hội Taekwondo tỉnh hướng dẫn thực hành một số động tác phòng vệ và thoát thân khi gặp đối tượng có hành vi xấu. Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung-phụ huynh em Trần Gia Hân (lớp 5/2, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự, xã An Phú ) cho biết: “Lâu nay, tôi vẫn dặn con luôn cảnh giác với người lạ, không đi một mình chỗ vắng người, ở nhà thì đóng kín cửa. Tuy nhiên, qua buổi tập huấn, tôi biết thêm được nhiều kiến thức mới để bảo vệ con khỏi vấn nạn xâm hại tình dục”.
Giữa tháng 11-2019, Tỉnh Đoàn cũng đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức lớp tập huấn kỹ năng phòng-chống xâm hại trẻ em, về sức khỏe sinh sản vị thành niên cho hơn 1.000 học sinh của 29 trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Đức Cơ. Nhiều tình huống giả định đã được Ban tổ chức đặt ra để các em tìm cách giải quyết, hình thành phản xạ khi không may gặp phải ngoài đời thực. Chị Nguyễn Thị Quý Trang-cán bộ Tỉnh Đoàn-đã hướng dẫn các em nguyên tắc “5 ngón tay”. Dựa vào bàn tay, trẻ em có thể xác định 5 nhóm người cần chú ý trong quá trình tương tác ngoài cuộc sống. Ngón cái tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột-các em có thể để các thành viên trong nhà ôm hôn, thể hiện tình yêu thương, tắm rửa khi còn nhỏ. Ngón trỏ tượng trưng cho thầy cô, bạn bè ở trường lớp hoặc họ hàng của gia đình-trẻ có thể nắm tay hoặc chơi đùa. Ngón giữa tượng trưng cho người quen như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ-bé có thể bắt tay, cười và chào hỏi họ. Ngón áp út tượng trưng cho gặp người mới gặp lần đầu, các bé chỉ nên vẫy tay chào. Ngón út tượng trưng cho những người hoàn toàn xa lạ, nếu trẻ thấy lo sợ, bất an thì có thể bỏ chạy, hét to để thông báo với mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng thông tin xung quanh những thay đổi về cơ thể, tâm sinh lý của trẻ vị thành niên cùng những điều nên và không nên làm ở lứa tuổi này. Em Rơ Lan HMai-lớp 8, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đức Cơ-cho hay: “Sinh hoạt tập thể ở trường nội trú, chúng em phải sống xa bố mẹ, tự lập ở môi trường mới nên rất cần những kỹ năng để bảo vệ bản thân. Lớp tập huấn đã giúp em trang bị những kỹ năng cần thiết”.
Thời gian qua, các tổ chức Đoàn-Đội đã đẩy mạnh việc phối hợp với các đơn vị, các ngành có liên quan tổ chức tập huấn, trang bị kỹ năng phòng-chống xâm hại tình dục cho học sinh nhiều trường học trên địa bàn tỉnh nhằm hướng dẫn các em tự bảo vệ bản thân trước những tình huống nguy hại xảy ra trong cuộc sống. Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh-cho biết: “Các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ Đoàn-Đội được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức thường xuyên; đồng thời chỉ đạo các đơn vị tổ chức ngoại khóa, chuyên đề để nâng cao nhận thức cho học sinh về vấn nạn xâm hại tình dục. Cùng với nỗ lực đó, chúng tôi rất cần sự chung tay của toàn xã hội và các bậc phụ huynh để tạo dựng một môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ”.
PHAN LÀI