Xã hội

Gia đình

Ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống:

Tảo hôn gây ra nhiều hệ lụy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù đã giảm so với trước nhưng tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc kết hôn khi chưa đủ tuổi, rồi sinh con đã gây nhiều hệ lụy, đặc biệt là đối với sức khỏe của mẹ và bé.

Bác sĩ Hoàng Ngọc Thành-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh-thông tin: Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi tỉnh) đang chăm sóc 7 trẻ sinh non, là con của các cặp vợ chồng tảo hôn. Vấn nạn tảo hôn gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe của mẹ và bé. Việc kết hôn khi chưa đủ tuổi sẽ dẫn đến tình trạng lúc mang thai và sinh con, người mẹ dễ bị những biến chứng sau sinh như: băng huyết, thai lưu… Trong đó, trường hợp thai lưu có thể khiến sản phụ bị rối loạn đông máu, chảy máu sau sinh gây ảnh hưởng đến tính mạng.

“Bên cạnh đó, tảo hôn và mang thai ở độ tuổi quá trẻ có thể dẫn đến nguy cơ sinh non, dị tật ở trẻ và gây nhiều hệ lụy sức khỏe về lâu dài. Trẻ sinh non cũng dễ gặp những biến chứng đối với sức khỏe, nhiều bệnh tật kèm theo và những bệnh này thường rất nặng, việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn. Cùng với những nguy cơ về sức khỏe, người mẹ còn quá trẻ thường chưa có kiến thức chăm sóc và nuôi dạy con cái, áp lực công việc, kinh tế dễ làm cho người mẹ suy kiệt, stress ảnh hưởng đến sức khỏe”-bác sĩ Thành cho biết.

Điều dưỡng viên Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi tỉnh) chăm sóc cho trẻ sinh non của một trường hợp tảo hôn. Ảnh: N.N

Điều dưỡng viên Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi tỉnh) chăm sóc cho trẻ sinh non của một trường hợp tảo hôn. Ảnh: N.N

Theo bác sĩ Thành, tảo hôn cũng là một trong những nguyên nhân gây giảm sút chất lượng dân số. Những bà mẹ tảo hôn, sinh non, trẻ bị biến chứng dị tật làm gia tăng chi phí khám-chữa bệnh, điều trị gây gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tảo hôn cũng khiến cho người mẹ trẻ dở dang chuyện học hành, khó tìm kiếm việc làm và không có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội. Thay vào đó, bà mẹ trẻ phải dành thời gian chăm sóc con cái, không tạo ra thu nhập khiến kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, gia tăng tỷ lệ đói nghèo, còn hạnh phúc gia đình cũng dễ đổ vỡ.

Nhắc đến chuyện lấy chồng và sinh con ở độ tuổi còn quá nhỏ, em R.L.N. (SN 2007, trú tại xã Ia O, huyện Ia Grai) buồn bã kể: “Em nghỉ học sớm và năm 15 tuổi thì lấy chồng. 16 tuổi em mang bầu và bị sinh non, bé chỉ nặng 1,5 kg. Bây giờ nghĩ lại, em hối hận lắm. Bạn bè thì đi học, đi chơi còn mình thì phải nằm viện chăm con vất vả. Mong mọi người đừng phạm phải sai lầm kết hôn sớm như em”.

Chăm cháu ngoại đang điều trị tại Khoa Sơ sinh, chị Biê (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) chia sẻ: Chị đã nhiều lần khuyên bảo nhưng con gái vẫn lấy chồng sớm. Bây giờ, con chị mới 17 tuổi mà đã có con. “Do sức khỏe không đảm bảo nên con gái mình sinh non. Cháu bé sau sinh được chuyển vào Bệnh viện Nhi tỉnh điều trị, còn mẹ cháu thì cũng đang được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Gia đình phải chia người ra chăm sóc. Mình cố gắng dạy dỗ cháu đang học lớp 4 hiểu để không kết hôn sớm như chị gái”-chị Biê tâm sự.

Tảo hôn là tình trạng hôn nhân được xác lập giữa các cặp vợ chồng mà 1 trong 2 người hoặc cả 2 chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của luật pháp. Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình quy định tuổi kết hôn: Nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên. Nam giới hoặc nữ giới kết hôn sớm hơn tuổi này được coi là tảo hôn. Nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp; trong đó, công tác tuyên truyền là giải pháp quan trọng và được chú trọng thực hiện đầu tiên. Bác sĩ Thành cho rằng, cần tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, gia đình và nhà trường. Các trường hợp tảo hôn thường trong độ tuổi học sinh nên các đơn vị trường học cần lồng ghép đưa vấn đề này vào giáo dục cho các em, nói rõ tác hại về vấn nạn tảo hôn, giúp cho trẻ có những kiến thức cơ bản và nhận biết rõ tác hại của tình trạng tảo hôn, góp phần nâng cao chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống.

Ông Vương Nhật-Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình-cho biết: Hàng năm, Chi cục phối hợp với các trường THCS, THPT trong tỉnh lồng ghép nội dung về dân số-kế hoạch hóa gia đình nói chung, những nội dung liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản nói riêng. Từ năm 2017 đến nay, đơn vị tăng cường phối hợp với các trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; lồng ghép nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giới, bình đẳng giới… nhằm nâng cao ý thức và hiểu biết cũng như trách nhiệm của học sinh trong chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, khắc phục và ngăn chặn tình trạng tảo hôn.

“Chi cục cũng phối hợp với các đơn vị quân đội lồng ghép nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, giới tính khi sinh, giới và bình đẳng giới cho đối tượng chuẩn bị ra quân. Năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức được 33 buổi với sự tham gia 23.290 học sinh. Trung tâm y tế cấp huyện chủ động phối hợp với huyện đoàn tổ chức 7 buổi truyền thông lồng ghép về các nội dung liên quan đến dân số và phát triển, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, bình đẳng giới... với sự tham gia của 420 đoàn viên, thanh niên. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan, đơn vị chú trọng tuyên truyền giáo dục về sức khỏe sinh sản vị thành niên trong lứa tuổi học sinh nhằm giúp các em có cái nhìn rõ hơn về sức khỏe sinh sản và áp dụng kiến thức này vào thực tế hàng ngày, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn”-ông Nhật thông tin.

Có thể bạn quan tâm