Thời sự - Bình luận

'Tạo phúc': dối trá hay trung thực?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bà Dung có biết rằng để 'tạo phúc' cho bà, cho 20 thí sinh và 12 người nhờ vả, bà đã lấy đi cơ hội vào đại học của ít nhất từng ấy thí sinh, niềm hi vọng của biết bao gia đình khác. Vậy bà đang 'tạo phúc' hay gây họa?
 
Theo dõi phiên tòa đang xét xử vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, chúng ta có thể thấy sự ngụy biện của những người từng là quan chức. Bà Lê Thị Dung - cựu phó đội trưởng thuộc Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang - nói trước tòa: "Bị cáo nhờ nâng điểm để… tạo phúc".
Theo bà Dung, bà đã "tạo phúc" cho 20 thí sinh là con cháu của 12 người nhờ bà can thiệp để được nâng điểm trong kỳ thi THPT năm 2018. Đó là một lời bao biện và dối trá!
Bà Dung đã gian lận khi can thiệp để 20 thí sinh được nâng điểm, nay ra tòa tiếp tục ngụy biện cho hành vi gian dối đó.
Bà Dung có biết rằng để "tạo phúc" cho bà, cho 20 thí sinh và 12 người nhờ vả, bà đã lấy đi cơ hội vào đại học của ít nhất từng ấy thí sinh, niềm hi vọng của biết bao gia đình khác. Vậy bà đang "tạo phúc" hay gây họa?
Cũng vậy, gian lận của các cán bộ đã bị phanh phui trong ngành giáo dục, những quan chức... trong kỳ thi THPT tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã tước đi cơ hội vào đại học của hàng trăm học sinh nghèo khó đã sống thật - thi bằng chính năng lực của mình.
Và hôm nay, khi những người đó đứng trước tòa, chúng ta lại thấy sự trí trá lồ lộ thêm.
Chẳng phải chờ đến khi vụ việc gian lận thi cử bị phanh phui chúng ta mới thấy được sự dối trá đang tồn tại trong ngành giáo dục, phơi mình ngay trước mắt phụ huynh, học sinh.
Với sự huyễn hoặc nhau qua những con số 100% học sinh tốt nghiệp, học sinh giỏi 100%..., chính người lớn đang gieo vào đầu các em sự lấp liếm, đối phó, trọng thành tích, không học thật, sống thật.
Chính người lớn đang làm gương xấu về sự dối trá cho con em mình. Riết rồi sự dối trá ấy hiển hiện trong đầu, trong hành động, trong cuộc sống để đến lúc con em của chúng ta bị chai lì trước những điều dối trá, đánh mất dần sự thật thà, trung thực.
Cứ thế, sự dối trá trong xã hội sẽ lớn dần lên, lấn át cái thiện, sự trung thực. Nhìn vào những vụ đại án được phanh phui thời gian qua, chúng ta thấy sự dối trá đã lớn tới mức nào.
Người ta có thể vô tư "đi đêm" với nhau, nhận hàng trăm ngàn đôla mà không mảy may áy náy... Không ít quan chức có thể lách luật, hành động gian dối để biến những khu đất công thành nguồn lợi cho mình, cho người thân, bạn bè, "cánh hẩu"...
Không ít sự dối trá từ chuyện lớn đến việc nhỏ đang hiển hiện trước mắt chúng ta nơi cuộc sống thường nhật. Nó "quen" đến mức đôi khi chúng ta không còn biết bận tâm, lên án những điều xấu xa ấy nữa.
Cố GS Hoàng Tụy từng phát biểu: "Một nền giáo dục lành mạnh trước hết hãy khoan dạy những cái cao siêu, mà nên tập trung dạy học sinh sống lương thiện và trung thực". Ông đề nghị cần có một cuộc vận động lớn nêu cao tính trung thực trong toàn ngành giáo dục...
Đó là điều cấp bách, có làm và làm được điều gốc rễ trung thực thì chúng ta mới hi vọng thế hệ tương lai của đất nước hấp thụ được một nền giáo dục làm người, trở thành người tốt. Từ đó sự thiện lương, sự trung thực mới có thể dẫn dắt một dân tộc đi đúng hướng tốt lành hơn.
Đó mới chính là tạo phúc!
Nguyễn Đức Tuyên (TTO)

Có thể bạn quan tâm