Tạo sinh kế cho người khiếm thị ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thực hiện cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập cộng đồng” và Chương trình hành động việc làm-xóa đói giảm nghèo, thời gian qua, Hội Người mù tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp người khiếm thị có việc làm ổn định.
Nhiều hoạt động thiết thực
Theo thống kê, toàn tỉnh Gia Lai hiện có 851 người mù; trong đó, số người mù là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 72,3%; 51,4% người mù trong độ tuổi lao động và có đến 75% không biết chữ. Đến nay, Hội có 327 hội viên chính thức (196 nam, 131 nữ); số còn lại là người cao tuổi và trẻ em không phải hội viên nhưng vẫn được quan tâm, giúp đỡ. Tất cả hội viên phần đông sống phụ thuộc vào gia đình, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa nên gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch Hội Người mù tỉnh-cho biết: Chương trình hành động việc làm-xóa đói giảm nghèo được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Hội, liên quan trực tiếp đến đời sống của người khiếm thị. Ngay từ khi mới thành lập, Hội đã nỗ lực tạo sinh kế, góp phần giúp hội viên tăng thu nhập bằng cách huy động vốn để các gia đình này có nguồn kinh phí đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Việc cho vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình được Hội chú trọng sao cho đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng; các trường hợp vay khi đến hạn đều trả nợ đạt 100% cả vốn và lãi, kể cả quỹ của Hội, không có trường hợp nợ quá hạn. Tuy khuyết tật về mắt nhưng một số hội viên vẫn làm kinh tế rất giỏi như anh Trần Văn Dũng, Trần Văn Hà (tổ 10, phường Hoa Lư, TP. Pleiku); ông Chu Văn Giàu (xã Tơ Tung, huyện Kbang)...
 Các nhân viên cơ sở Xoa bóp-Bấm huyệt cổ truyền số 01 Nguyễn Du, TP. Pleiku trong giờ giải lao. Ảnh: N.N
Các nhân viên cơ sở Xoa bóp-Bấm huyệt cổ truyền số 01 Nguyễn Du, TP. Pleiku trong giờ giải lao. Ảnh: N.N
Ngoài ra, Hội Người mù tỉnh đã lập dự án trình UBND tỉnh, phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội,  Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư mở cơ sở dịch vụ xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền, tạo việc làm và qua đó giúp người khiếm thị có thu nhập ổn định. “Hiện nay, Hội có 2 cơ sở dịch vụ xoa bóp-bấm huyệt cổ truyền tại đường Nguyễn Du, TP. Pleiku, tạo việc làm cho 9 người mù, thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Công tác đào tạo nghề cũng được Hội quan tâm. Cụ thể, Hội đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề cho người tàn tật các tỉnh bạn như: Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh gửi 40 em đi học làm chổi đót, học nghề mát xa, xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền, sau khi học xong các em đều có chứng chỉ hành nghề, có việc làm, thu nhập ổn định”-ông Nguyễn Văn Hùng thông tin thêm.
Vươn lên từ “điểm tựa” vững chắc
May mắn được Hội quan tâm, giúp đỡ và có công việc ổn định tại cơ sở Xoa bóp-Bấm huyệt cổ truyền (21 Nguyễn Du, TP. Pleiku), anh Lê Quang Đạt, 26 tuổi, cho biết: “Tháng 5-2015, tôi bắt đầu học nghề xoa bóp-bấm huyệt cổ truyền tại Đà Nẵng và làm việc tại đây. Đến tháng 4-2016, tôi về lại Gia Lai và được Hội Người mù tỉnh hỗ trợ cho đi tập huấn công tác Hội, nâng cao kỹ thuật xoa bóp-bấm huyệt cổ truyền và được nhận vào làm việc tại cơ sở của Hội. Công việc tại đây đã giúp tôi có thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống”.
Không may bị mù do tai nạn giao thông năm 2008, từ một đầu bếp có việc làm ổn định, anh Trương Ngọc Chinh (SN 1987, quản lý cơ sở Xoa bóp-Bấm huyệt cổ truyền số 01 Nguyễn Du, TP. Pleiku) bị thất nghiệp và không thể tìm được việc làm. Hơn 1 năm qua, được Hội Người mù tỉnh tạo điều kiện, anh Chinh đã có công việc ổn định. “Tôi được Hội Người mù tỉnh tạo điều kiện cho đi học nghề tại TP. Hồ Chí Minh và đạt chứng chỉ xoa bóp-bấm huyệt cổ truyền loại giỏi. Hiện tôi có công việc ổn định và thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/tháng”-anh Chinh cho biết.
Tương tự, anh Rơ Mah Thơm (làng Dít Phang, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ) cũng có công việc ổn định với thu nhập mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng. “Tôi bị mù bẩm sinh. Trước kia, tôi ở cùng anh chị, sau xin lên Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh. Năm 2013, tôi được Hội Người mù tỉnh cho đi học nghề tại Thừa Thiên-Huế, có chứng chỉ xoa bóp-bấm huyệt và làm việc tại Cơ sở Xoa bóp-Bấm huyệt cổ truyền của Hội từ năm 2014 đến nay. Ngoài học nghề, Hội còn tạo điều kiện cho tôi đi học chữ nổi, học thanh nhạc và học phục hồi chức năng”-anh Thơm xúc động nói.
Theo Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, khó khăn lớn nhất hiện nay là nhu cầu học nghề của người khiếm thị cao nhưng nguồn vận động để mở các lớp không dễ; việc tiếp cận vốn còn khó khăn; tỉnh chưa có trung tâm đào tạo nghề, dạy chữ, phục hồi chức năng cho người mù tập trung... “Mong rằng tỉnh sớm quan tâm thành lập trung tâm này để giúp người mù có cơ hội học tập, tìm kiếm việc làm, có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống”.
Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm