Thời sự - Bình luận

Tạo sức bật mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Diễn đàn Kinh tế TP HCM (HEF) lần thứ 5 năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 27-9 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP HCM".

Chuyển đổi công nghiệp là yêu cầu cấp thiết đối với kinh tế TP HCM, trong bối cảnh vị thế và vai trò trung tâm của thành phố đang bị cạnh tranh, thậm chí suy giảm về tốc độ tăng trưởng so với các địa phương khác.

Trong bối cảnh ấy, TP HCM cần tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi công nghiệp với nội hàm chuyển đổi kép và nâng cấp chuỗi giá trị, phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi, từ đó tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. Muốn vậy, TP HCM cần xác định tập trung vào chiến lược sắp tới là gì, trung tâm công nghiệp quốc tế, trung tâm tài chính quốc tế hay trung tâm dịch vụ - du lịch?

Với công nghiệp, TP HCM đang gặp khó khăn không chỉ bởi quỹ đất ở các KCN hạn chế mà cơ sở hạ tầng và logistics cũng là rào cản lớn. Cơ sở hạ tầng giao thông, như đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, sân bay Tân Sơn Nhất, cảng biển Cái Mép - Thị Vải… thường xuyên quá tải, đẩy chi phí logistics lên cao, từ đó giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Cơ sở hạ tầng quá tải còn khiến TP HCM giảm sức cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Mới đây, một tập đoàn công nghệ của Việt Nam cũng chọn đặt trung tâm phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) 4.000 tỉ đồng ở một tỉnh miền Trung, thay vì chọn TP HCM dù được giới thiệu là có nhiều lợi thế…

Với việc Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm 2024 chọn chủ đề chuyển đổi công nghiệp, tạo động lực phát triển bền vững, thành phố có thể tập trung đầu tư cho công nghiệp công nghệ cao - công nghệ bán dẫn, công nghệ AI với quỹ đất đủ lớn nhằm thu hút "đại bàng". Để làm được điều này, trong điều kiện công nghệ bán dẫn không có sẵn, thành phố cần kêu gọi đầu tư nước ngoài cùng với việc chuyển giao công nghệ, góp phần tự chủ trong vật liệu bán dẫn. TP HCM cần tìm cách thu hút nhà đầu tư có nhu cầu sản xuất lĩnh vực này tới đặt nhà máy. Cộng với những chính sách phù hợp, thành phố sẽ khuyến khích được "đại bàng tới làm tổ".

Với các KCN có sẵn, cần cơ chế và nguồn vốn để đẩy mạnh chuyển đổi kép theo hướng xanh và số cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ở TP HCM. Thành phố cần quy hoạch quỹ đất cần thiết để phát triển cơ sở hạ tầng cho KCN; đồng thời cải thiện chất lượng nguồn lao động, hướng tới việc tham gia sâu rộng chuỗi cung ứng toàn cầu…

Về công nghệ AI và blockchain, Big Data, TP HCM cũng cần có cơ chế khuyến khích, bởi thành phố đang có lợi thế cạnh tranh so với Singapore về chi phí, vị trí thuận lợi. TP HCM có thể nghiên cứu xây dựng, phát triển theo mô hình Silicon Valley, tạo hệ sinh thái hoàn chỉnh với cơ chế ưu đãi và thử nghiệm những mô hình mới để thu hút các công ty khởi nghiệp trên thế giới. Kết hợp với việc ươm tạo khởi nghiệp tại các trường đại học lớn trên địa bàn, khi đó TP HCM sẽ xây dựng được ngành công nghiệp công nghệ cao, tạo sức bật cho kinh tế phát triển vững chắc.

Theo PGS-TS NGUYỄN HỮU HUÂN - ĐH Kinh tế TP HCM (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm