Tạo việc làm cho người khuyết tật: Bài toán nan giải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, việc chăm sóc, dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật (NKT) được Nhà nước và cộng đồng xã hội quan tâm. Tuy nhiên, số NKT tham gia học nghề và có việc làm sau đào tạo còn rất hạn chế.
Bị khuyết tật chân phải và 2 bàn tay, em Nguyễn Văn Sang (SN 1998, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) được giới thiệu vào TP. Hồ Chí Minh học nghề sửa chữa máy vi tính, điện tử. Trò chuyện cùng chúng tôi, em buồn bã chia sẻ: “Sau 3 năm miệt mài học tập, ra trường tìm mãi không có việc làm, em phải về nhà phụ giúp gia đình. Người bình thường bây giờ tìm việc làm đã khó, với NKT như em lại càng khó hơn. Em chỉ mong có một công việc ổn định nuôi sống bản thân mà sao gian nan quá”.
Tặng xe lăn cho người khuyết tật. Ảnh: Đinh Yến
Tặng xe lăn cho người khuyết tật. Ảnh: Đinh Yến
Trên thực tế, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh chưa thật sự quan tâm sử dụng lao động là NKT. Ông Trương Đình Ba-Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và Trẻ mồ côi tỉnh-cho biết: Để đào tạo một lao động khuyết tật lành nghề phải mất nhiều thời gian hơn so với lao động bình thường. Vậy nhưng vấn đề việc làm cho NKT sau đào tạo nghề hiện nay rất khó khăn. Bởi lẽ, hầu hết các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong tỉnh thường e ngại lao động là NKT không đảm đương được công việc. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa đủ hấp dẫn để doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT.

Ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: “Đào tạo nghề cho NKT phải đi đôi với tạo việc làm cho họ, nghĩa là các cơ sở đào tạo nghề cần liên kết với các doanh nghiệp có nhu cầu để tuyển dụng”.

Cùng với đó, không ít khó khăn, bất cập nảy sinh từ việc dạy nghề cho NKT gắn với Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (gọi tắt là Đề án 1956). Các lớp dạy nghề nông thôn theo đề án này chủ yếu đào tạo nghề phi nông nghiệp nên NKT rất khó theo học. Cũng theo ông Trương Đình Ba, mới đây, Hội phối hợp với cơ sở đào tạo nghề ở TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ cho 3 NKT ở 2 huyện Đak Pơ và Ia Pa học nghề sửa chữa máy vi tính, điện tử nhưng học xong mà vẫn chưa tìm được việc làm. “Có việc làm, NKT sẽ giảm bớt tâm lý mình là gánh nặng cho gia đình và dễ hòa nhập hơn với cộng đồng. Tuy nhiên, NKT lại ít có cơ hội tiếp cận việc làm như những lao động bình thường”-ông Trương Đình Ba chia sẻ.
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có trên 12.000 NKT, trong đó có 2.966 NKT đặc biệt nặng, 8.465 NKT nặng và còn khả năng lao động. Tuy nhiên, chỉ có dưới 10% trong tổng số NKT nặng tự tạo được việc làm, nuôi sống bản thân. Số còn lại chủ yếu sống dựa vào gia đình và đang được Nhà nước trợ cấp xã hội hàng tháng. Phần lớn hộ gia đình có NKT đều có mức sống thấp.
Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2012 khẳng định: “Nhà nước bảo trợ quyền lao động, tự tạo việc làm của lao động là NKT, có chính sách khuyến khích và ưu đãi người sử dụng lao động tạo việc làm và nhận lao động là NKT vào làm việc theo quy định của Luật NKT” (Khoản 1, Điều 176). Quyền làm việc của lao động khuyết tật là tiền đề tạo ra cơ hội và động lực cho NKT tìm kiếm việc làm, có cơ hội khẳng định bản thân, tự lập trong cuộc sống, tạo ra thu nhập để không phải dựa dẫm vào gia đình, người thân. Vì vậy, giúp NKT cải thiện cuộc sống, học nghề có việc làm là biện pháp quan trọng góp phần xóa đói, giảm nghèo. Vấn đề hiện nay là cần cơ chế để các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực sự chung tay thực hiện, đưa Luật đi vào đời sống xã hội, giúp NKT có việc làm, tự tin hòa nhập cộng đồng, vươn lên ổn định cuộc sống.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm