Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Tập tục tắm sông Ba "xả xui" của người Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tin rằng dòng nước sông Ba huyền sử sẽ giúp cuốn trôi mọi buồn phiền, người Jrai sống ở khu vực hạ lưu con sông này vẫn giữ tập tục tắm “xả xui”, cầu mong điều may mắn cho cuộc sống của bản thân và gia đình.
Gia đình anh Nay Il (buôn Bhă Nga, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) vừa mời già Rô Ô Bhung làm lễ xả xui cho gia đình tại bến nước sông Ba. Anh Nay Il cho biết: Mấy tháng qua, công việc luôn không như ý muốn. Trong một thời gian ngắn, anh liên tiếp gặp vận xui rủi, hết bị ngã xe máy gãy chân lại bị đau bệnh phải mổ ruột thừa. “Hết chuyện này đến chuyện khác xảy ra khiến mình buồn lắm, không lên rẫy đi làm được. Đã thế đầu năm nay, gia đình mình còn gặp nhiều chuyện xui xẻo nữa. Hôm nay, mình mời già Rô Ô Bhung về làm lễ xả xui ở bến nước theo tập tục của ông bà. Mình đốt một con heo nhỏ và 3 ghè rượu để làm lễ vật, đồng thời mời anh em, họ hàng đến chứng kiến”-anh Nay Il nói.
Bên bờ sông, ông Rô Ô Bhung-một người già có uy tín ở buôn Gôm Gốp (xã Ia Rmok) cắm cần vào miệng ché, trịnh trọng giơ cao cần rượu mời các vị thần linh chứng giám buổi lễ. Ông nhắm mắt hướng về phía mặt sông Ba đỏ nặng phù sa, tạ ơn thần linh đã mang đến cho người dân cuộc sống no đủ, ruộng đồng trù phú, tốt tươi. Trước lễ vật, ông Bhung mong các vị thần tiếp tục mang đến may mắn, sức mạnh cho người xin được xả xui, giúp mọi người sống biết yêu thương, đoàn kết, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống.
Sau nghi lễ, ông Bhung ra hiệu cho anh Nay Il cùng ông lội xuống sông, từ từ tiến ngược về phía dòng nước chảy. Vừa lội, anh Nay Il vừa cởi chiếc áo cũ mặc ngoài cùng, thả trôi theo dòng nước. Chiếc áo bị dòng nước cuốn trôi như mọi muộn phiền, xui xẻo trong cuộc sống của anh cũng trôi theo. Anh Nay Il tiếp tục trầm mình xuống dòng nước mênh mang cho nước sông rửa trôi đi bao muộn phiền bấy lâu chất chứa trong lòng. Lên bờ trong tâm trạng phấn chấn, anh Nay Il vui vẻ: “Mình biết trong cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý muốn, cũng không ai chỉ toàn gặp chuyện khó khăn hay may mắn. Nhưng mỗi năm, mình đều làm lễ tắm sông Ba xả xui để giữ vững tinh thần mỗi khi gặp chuyện không may. Không riêng mình mà người dân trong buôn cũng đều giữ tập tục lâu đời này. Họ tin rằng, cùng với tập tục xả xui, nếu chăm chỉ làm ăn, sống đoàn kết thì dù gặp chuyện gì cũng sẽ vượt qua”.
Sau lễ tắm sông Ba để xả xui, anh Nay Il (buôn Bhă Nga, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) tin rằng cuộc sống sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi. Ảnh: Minh Châu
Sau lễ tắm sông Ba để xả xui, anh Nay Il (buôn Bhă Nga, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) tin rằng cuộc sống sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi. Ảnh: Minh Châu
Anh Ksor Nen (buôn Gôm Gốp) cũng vừa làm lễ tắm sông Ba xả xui sau khi gia đình liên tiếp xảy ra những chuyện không vui. Anh cho biết: Dạo gần đây, công việc làm ăn rất khó khăn, vợ chồng hay lục đục vì những chuyện không đâu. Sau khi tắm sông xả xui, anh tin may mắn sẽ quay trở lại với gia đình, thần linh sẽ phù hộ để gia đình anh và dân làng có vụ mùa bội thu, thóc lúa về đầy kho.
Ông Rô Ô Bhung giữ vai trò chủ lễ cho phong tục xả xui ở vùng đất ven sông này suốt nhiều chục năm qua. Ông cho biết: Đây là tập tục lâu đời của người Jrai, giúp con người giải tỏa muộn phiền, xui rủi và có thêm sức mạnh tinh thần, niềm tin vào cuộc sống, vượt qua thử thách. Khi nào làm ăn thất bát, cuộc sống khó khăn thì người tìm đến sông Ba tắm xả xui càng đông. “Bà con trong buôn khi có chuyện không may như tai nạn, đau ốm, vợ chồng cãi vã, nợ nần… đều làm lễ xả xui, tắm dưới dòng sông này để cầu mong thần sông cuốn trôi đi mọi xui xẻo. Tập tục này về mặt tinh thần là giải tỏa những bất an, lo lắng nên được nhiều thế hệ người Jrai duy trì. Nhưng đi đôi với nó, mình luôn dặn dò mọi người phải chăm chỉ làm ăn, không rượu chè bê tha, chi tiêu tiết kiệm thì chắc chắn cuộc sống sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi”-già Rô Ô Bhung cho biết.
Ông Kpă Sáu-Chủ tịch UBND xã Ia Rmok-cho hay: Người Jrai quan niệm bản thân hoặc gia đình liên tục gặp chuyện không may sẽ dẫn đến bất an. Khi đó, họ sẽ làm lễ xả xui, cầu mong chuyện tốt đẹp quay trở lại, tạo nên nét đẹp trong đời sống văn hóa. Mỗi tập tục đều có lý do riêng tồn tại, lễ xả xui có ý nghĩa riêng trong đời sống tinh thần của người dân. Chủ tịch UBND xã cho rằng nhiều người không hiểu hết ý nghĩa của tập tục này, xem đó là dịp “đốt” trâu bò, ăn uống linh đình khiến kinh tế cạn kiệt, càng thêm nghèo khó. Có những gia đình không chịu làm ăn, đổ tội nghèo đói là xui xẻo nên cố vay mượn để tổ chức lễ xả xui. “Chính quyền địa phương khuyến khích người dân gìn giữ và phát huy những tập tục đẹp. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức, hạn chế tổ chức lễ lạt quá lớn gây lãng phí. Chúng tôi phát huy vai trò của già làng, người có uy tín tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, không làm biến tướng truyền thống văn hóa, mà kế thừa có chọn lọc và phát huy để làm giàu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc”-Chủ tịch UBND xã Ia Rmok nhấn mạnh.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm