(GLO)- Nhiều năm qua, các thầy-cô giáo Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, Gia Lai) đã tận tâm chăm sóc học trò, từ cắt tóc, bỏ tiền túi mua đồ dùng học tập đến kêu gọi Mạnh Thường Quân hỗ trợ. Tất cả nhằm giúp các em có thêm động lực theo đuổi con chữ, gắn bó với trường lớp.
Thầy giáo kiêm... thợ cắt tóc
Năm 2012, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi được tách ra từ Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng. Ngoài trường chính, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi còn có các điểm trường làng Phung (gồm làng Phung A và Phung B), Nhueng, Tao. Đa phần học sinh là người dân tộc Jrai, trong đó làng Phung là làng đặc biệt khó khăn. Do bố mẹ bận làm rẫy, ít có thời gian chăm sóc con nên tóc các em thường để khá dài. Thương học trò, các giáo viên của trường đã nảy ra ý tưởng tự tay cắt tóc cho các em. Thế là giáo viên nhà trường góp tiền mua 3 tông đơ. Hàng tháng, thầy giáo đến các điểm trường để cắt tóc cho học sinh. Dù chưa từng trải qua một khóa học cắt tóc nào nhưng các thầy giáo sử dụng tông đơ khá thuần thục, em nào tóc dài đều được cắt tỉa gọn gàng.
Cô giáo Đỗ Thị Mỹ Hậu chăm sóc cho học sinh điểm trường làng Phung. Ảnh: P.L |
Thầy Trần Đình Mạnh-Tổng phụ trách Đội-cho biết: “Lúc đầu, chúng tôi cắt tóc không được đẹp lắm nhưng rất gọn gàng, sau này cắt nhiều nên tay nghề ngày càng được nâng lên. Thật vui khi thấy các em xếp hàng đợi đến lượt cắt tóc. Hoạt động này được chúng tôi duy trì đều đặn suốt 2 năm qua. Ngoài ra, chúng tôi còn cắt móng tay cho các em, hướng dẫn cách rửa tay bằng xà phòng. Trong khoảng thời gian tổ chức các hoạt động, giáo viên nhà trường cũng có dịp trò chuyện, tâm sự để hiểu các em hơn, qua đó tình cảm thầy trò ngày càng gần gũi và khăng khít”.
Để tạo hứng thú và động viên các em đến trường, đầu năm học 2018-2019, giáo viên ở điểm trường làng Phung đã góp tiền mua bộ loa di động. Giờ ra chơi, giáo viên phát các bài hát về thiếu nhi, về trường học và thầy cô để học sinh hát theo. Vì thế, mỗi giờ ra chơi của học sinh nơi đây đã không còn nhàm chán. Cô Đỗ Thị Mỹ Hậu-giáo viên chủ nhiệm lớp 1A2-vui vẻ kể: “Có những bài hát học sinh không thuộc lời thì giáo viên tập cho các em hát rồi bật nhạc để hát theo. Nhìn những nụ cười hồn nhiên, thầy-cô giáo ai cũng cảm thấy ấm lòng. Càng vui hơn nữa khi việc vận động học sinh đến trường không còn khó khăn như trước”. Khi được hỏi về những hoạt động mà các thầy-cô giáo tổ chức, em Kpă Chiêu (lớp 5A2, điểm trường làng Phung) hào hứng cho biết: “Em rất vui vì được thầy cắt tóc, được cô giáo tập hát. Em siêng đến trường học, không còn nghỉ học nhiều như trước”.
“Tất cả vì học sinh thân yêu”
Ông Lê Hồng Mạnh-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pưh: “Đứng chân trên địa bàn có đông học sinh dân tộc thiểu số nên công tác giảng dạy tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi không tránh khỏi khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, tập thể sư phạm nhà trường đã luôn nỗ lực trong công tác giảng dạy, chủ động, sáng tạo nhiều hoạt động thiết thực thu hút học sinh, qua đó tình cảm thầy trò càng thêm gắn kết”. |
Để có thể hỗ trợ học sinh nhiều hơn, các thầy-cô giáo Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đã cùng nhau thành lập nhóm “Chữ thập đỏ” và mỗi tháng đóng góp 10.000 đồng/người vào quỹ chung. Đồng thời, mỗi giáo viên còn tìm cách vận động các Mạnh Thường Quân, các nhóm tình nguyện đến tặng sách vở, áo quần cho các em. Chưa kể, trong hành trang đến lớp của các thầy cô cũng không thể thiếu kẹo, dây buộc tóc hay đồ dùng học tập... để dùng làm phần thưởng cho học sinh.
Đặc biệt, với các em học lớp 1 và lớp 2, khả năng tiếp cận con chữ còn hạn chế, các thầy-cô giáo đã không ngại bỏ công sức để giúp đỡ. Ở trường, sau khi các em học xong một buổi, các giáo viên dạy buổi chiều sẽ đến để hỗ trợ giáo viên dạy buổi sáng trong việc kèm cặp học sinh và ngược lại. Mỗi lớp như vậy thường có 2-3 giáo viên cùng “cầm tay chỉ việc” cho từng em. Thầy Phan Xuân Dương-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi-cho biết: “Dù nhà trường còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng các thầy-cô giáo đều rất nỗ lực, nghĩ ra nhiều biện pháp hay để thu hút học sinh đến trường. Mỗi việc làm của các thầy cô đều xuất phát từ sự tự nguyện, không nề hà vất vả với phương châm “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Nhờ đó, tỷ lệ chuyên cần của học sinh nhà trường luôn đạt trên 97%”.
Phan Lài