Khoa học - Công nghệ

Tàu thăm dò Hằng Nga- 6 của Trung Quốc tiến vào quỹ đạo Mặt Trăng thành công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tàu thăm dò Hằng Nga - 6 là “mắt xích then chốt” trong giai đoạn thứ 4 của dự án thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc, đã thành công khi tiến vào quỹ đạo của Mặt Trăng ngày 8/5, sau khi được phóng lên không gian ngày 3/5.
Sơ đồ mô phỏng Hằng Nga- 6 hạ cánh trên bề mặt Mặt Trăng. Ảnh: CCTV

Sơ đồ mô phỏng Hằng Nga- 6 hạ cánh trên bề mặt Mặt Trăng. Ảnh: CCTV

Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, “phanh” là bước quan trọng nhất trong toàn bộ nhiệm vụ của Hằng Nga - 6 và quá trình này phải được thực hiện khắt khe. Nếu “phanh” quá nhiều, tàu sẽ ở quá xa Mặt Trăng, ngược lại sẽ vượt qua Mặt Trăng và sẽ không thể trở về Trái Đất. Vì vậy, việc “phanh” tốt hay không sẽ quyết định Hằng Nga - 6 có thể hạ cánh thành công xuống Mặt Trăng hay không.

“Cho đến nay, các công việc liên quan diễn ra theo đúng dự kiến. Lần “phanh” gần Mặt Trăng này là cơ hội kiểm soát duy nhất, nếu bỏ lỡ, tàu thăm dò sẽ không thể quay quanh Mặt Trăng. Sau quá trình “phanh” thành công, công việc tiếp theo sẽ được thực hiện trong quá trình quay quanh quỹ đạo như hạ cánh, lấy mẫu và cất cánh. Việc hoàn thành “phanh” gần Mặt Trăng, tương đương với việc bước vào giai đoạn thứ 3 của nhiệm vụ”, kỹ sư Trung tâm Kiểm soát bay Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh Trình Diễm Hợp đánh giá.

Tiếp theo, với sự hỗ trợ của vệ tinh chuyển tiếp Tước Kiều - 2 (Queqiao-2), tàu thăm dò Hằng Nga - 6 sẽ điều chỉnh độ cao và độ nghiêng quỹ đạo của nó quanh Mặt Trăng, đồng thời chọn cơ hội thực hiện nhiệm vụ như tách tổ hợp tàu quay lại quỹ đạo, tổ hợp tàu đổ bộ lên bề mặt. Sau đó, tổ hợp tàu đổ bộ sẽ hạ cánh xuống lưu vực Nam Cực – Aitken ở vùng tối của Mặt Trăng và thực hiện lấy mẫu vật mang về Trái Đất theo kế hoạch.

Theo Phó Chủ nhiệm Trung tâm Công trình Hàng không Vũ trụ và Công trình thăm dò Mặt Trăng thuộc Cục Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh Cát Bình, Hằng Nga - 6 lần đầu tiên thu thập mẫu vật từ vùng tối của Mặt Trăng, thời kỳ địa chất của vật mẫu thu thập được cách đây khoảng 4 tỷ năm. Đồng thời tạo ra bước đột phá trong công nghệ điều khiển và thiết kế quỹ đạo vận hành của Mặt Trăng, công nghệ lấy mẫu thông minh cũng như công nghệ cất cánh bay lên từ vùng tối của Mặt Trăng, và cuối cùng hoàn thành việc tự lấy mẫu, quay về Trái Đất.

Hằng Nga- 6 tiếp tục sử dụng phương pháp lấy mẫu của Hằng Nga - 5 là thu thập mẫu trên bề mặt và khoan vào lòng đất, các mẫu vật thu được ở các bề mặt và độ sâu khác nhau. Dự kiến Hằng Nga- 6 sẽ thu thập khoảng 2 kg vật mẫu.

Gần 10 năm qua, Trung Quốc đạt được thành tựu lớn trong việc nghiên cứu, thăm dò Mặt Trăng. Năm 2013, robot Thỏ Ngọc của tàu Hằng Nga 3 hạ cánh xuống Mặt Trăng, trở thành robot đầu tiên của Trung Quốc làm được điều này. Năm 2018, Trung Quốc phóng tàu Hằng Nga 4, mang theo robot tự hành Thỏ Ngọc 2. Đến năm 2019, Thỏ Ngọc 2 hạ cánh thành công xuống vùng tối của Mặt Trăng, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới làm được điều này.

Năm 2020, tàu Hằng Nga - 5 đáp xuống Mặt Trăng và lấy mẫu đất đá mang về Trái đất. Đây được xem là một trong những sứ mệnh khó khăn và phức tạp nhất trong lịch sử ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc, đồng thời cũng là sứ mệnh thu thập mẫu vật từ Mặt Trăng đầu tiên trong hơn 40 năm qua.

Có thể bạn quan tâm