Một cán bộ kiểm lâm ở xã xã Ia Kiêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai tuần tra một cánh rừng có nguy cơ cháy cao. Ảnh: Bảo Trung
Hàng vạn hécta rừng ở Tây Nguyên đang đối mặt với nguy cơ cháy rừng ở mức rất cao khi bước vào mùa khô hạn nghiêm trọng. Ngành chức năng các tỉnh trong khu vực đang ứng phó, không để mất thêm rừng.
Nguy cơ cháy rừng trên diện rộng
Theo Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh đang có khoảng hơn 57.000ha rừng thuộc diện có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Trong đó, có khoảng hơn 7.000ha rừng trồng và 33.000ha rừng tự nhiên, tập trung chủ yếu ở các huyện Ea H’Leo, Krông Năng, Ea Kar, Buôn Đôn... Những vụ cháy rừng các năm qua tập trung ở các cánh rừng có nhiều vật liệu khô như rừng khộp, rừng lá kim, rừng tre nứa, rừng hỗn giao và rừng trồng. Thời điểm cháy thường xảy ra từ đầu năm cho đến hết mùa khô.
Tại Gia Lai, ngay từ đầu năm 2020, Chi cục Kiêm lâm tỉnh này đã kiểm tra, rà soát hàng loạt khu vực có những cánh rừng lớn ở tỉnh, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao như Chư Pah, Đức Cơ, Chư Pưh... Gia Lai có gần 600ha rừng (tự nhiên và rừng trồng), diện tích rừng tự nhiên chiếm đến hơn 90%. Theo dự đoán, mùa khô năm nay, các huyện ở khu vực phía đông của tỉnh sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lượng mưa, hạn hán xảy ra trên diện rộng, kèm theo nguy cơ cháy rừng ở mức rất cao.
Không thể phủ nhận một điều rằng, rất nhiều cánh rừng ở Tây Nguyên hiện có lực lượng tuần tra, quản lý quá mỏng, dù chủ rừng lẫn lực lượng kiểm lâm địa phương đã dùng nhiều biện pháp khắc phục nhưng khó có thể ứng phó kịp khi có sự cố xảy ra.
Lấy ví dụ, huyện Buôn Đôn hiện đang có đến hơn 1 vạn hécta rừng, trong đó có 4.400ha rừng phòng hộ và 5.700ha rừng sản xuất. BQL rừng phòng hộ Buôn Đôn chỉ có khoảng 9 biên chế phân bổ ở 5 trạm trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Như vậy, trung bình mỗi người hiện quản lý hơn 1.000ha rừng, gặp rất nhiều khó khăn nếu địa bàn xảy ra cháy rừng hay lâm tặc hoành hành.
Mặc khác, việc liên tục sụt giảm diện tích rừng tự nhiên, phòng hộ do cháy rừng và lâm tặc phá hoại đã làm cạn kiệt nguồn nước ngầm trong khu vực, trực tiếp gây nên các đợt hạn hán nghiêm trọng ở vùng này. Đỉnh điểm là năm 2019 vừa qua, Tây Nguyên đã xảy ra một đợt hạn hán nghiêm trọng, hàng vạn hécta hoa màu không đủ nước tưới tiêu, đời sống người dân bị ảnh hưởng.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, lượng mưa trong mùa khô năm nay ở khu vực Tây Nguyên dự kiến sẽ tiếp tục giảm. Đầu năm nay, lưu lượng nước ở các sông lớn tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk đã giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước. Nếu các cánh rừng tiếp tục cháy trụi hay bị đốn hạ, rất có thể trong tương lai gần khu vực này sẽ còn phải chịu những đợt hạn hán còn khốc liệt hơn năm ngoái.
Nâng mức cảnh báo, siết chặt quản lý rừng
Ông Đỗ Xuân Dũng - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk cho biết, dự kiến sẽ nghiên cứu, phân bổ cán bộ kiểm lâm đến những khu vực trọng điểm như Buôn Đôn, Ea Súp... để siết chặt công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và các lực lượng vũ trang khác đóng trên địa bàn cũng sẽ bố trí quân số để sẵng sàng hỗ trợ khi có yêu cầu của UBND tỉnh để giải quyết các vấn đề phát sinh trong công tác bảo vệ rừng. Những cánh rừng có nguy cơ xảy ra cháy sẽ được nâng mức cảnh báo để các đơn vị liên quan chú trọng quản lý, bảo vệ.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Phú Yên đã ra văn bản thông báo cho những huyện giáp ranh với Đắk Lắk, Gia Lai... chủ động phối hợp với lực lượng Kiểm lâm các tỉnh này để phối hợp thực hiện công tác bảo vệ rừng, kết hợp tuần tra truy quét các đối tượng phá rừng, vận chuyển gỗ lậu. Bởi lẽ, khu vực các huyện những tỉnh giáp ranh (Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định) với Tây Nguyên thường xuyên được lâm tặc lợi dụng để vận chuyển gỗ lậu và từ đó phân phối đi các nơi khác.
Ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc (phụ trách) Sở NNPTNN tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: Quyết không để rừng tiếp tục ‘’chảy máu’’ như những năm qua. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện chủ rừng buông lỏng quản lý để xảy ra cháy rừng hay lâm tặc hoành hành. Ngoài ra, đối với các cán bộ kiểm lâm, nếu điều tra được việc có tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, vận chuyển gỗ cũng sẽ xử lý rất nặng.
Bảo Trung (LĐO)