Du lịch

Hành trang lữ hành

Tép Biển Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôm tép là quà tặng của thiên nhiên giúp người nông dân cải thiện bữa cơm tranh thủ lúc làm đồng, thêm nguồn thu nhập. Nhưng với người dân Phố núi mà nói, tép Biển Hồ là ngon nhất. Vậy nên từ bao năm nay, tép Biển Hồ đã lên ngôi đặc sản ở nhiều nhà hàng nổi tiếng.
Đầu mùa mưa, nước từ nhiều nguồn đổ về cuốn theo động vật phù du, mùn đất, giun dế… là nguồn thức ăn ưa thích của loài tép. Phía hồ B, dọc chân hồ, chỗ nước nông, ngư dân chuyên và không chuyên thường giăng lưới bát quái, đó tép, gọng vó cỡ nhỏ mắt lưới dày đánh bắt tép. Mồi nhử tép truyền thống được chế biến từ cua đồng phơi khô giã nhỏ ngào nhuyễn với mắm tôm, cơm dẻo, cám gạo… vo thành viên tròn, rang qua lửa dậy mùi, cho vào dụng cụ đánh bắt để dẫn dụ tép. Thời gian gần đây, có cả cám công nghiệp làm mồi nhử tép. Ngày vài lượt, lúc chiều muộn, đầu hôm, sớm tinh mơ, người ta lần giở ngư cụ thu hoạch sản phẩm và thay mồi. Theo anh Thiết (thôn 3, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah), một “đầu nậu” tép Biển Hồ, từ đầu mùa mưa Tây Nguyên sang đến cuối Xuân, mỗi ngày gia đình thu mua trung bình nửa tạ tép, chưa tính lượng tép người đánh bắt nhỏ lẻ mang về ăn hay dạo bán trực tiếp. Với giá bán 130.000 đồng/kg, mới biết trữ lượng tép, nguồn lợi thu từ con tép ở đây không hề nhỏ.
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Anh Thiết còn cho biết thêm, hàng đêm, nơi lòng hồ còn có những chiếc ghe máy, xuồng chèo tay của ngư dân các tỉnh xa đến dùng lưới cào đánh bắt, hoạt động nhộn nhịp, đèn điện sáng trưng, nhìn từ xa cứ như mặt biển về đêm. Đặc điểm chung nhất các ngư cụ đánh bắt tép là mắt lưới, khe nan không quá bé để chỉ bắt tép lớn, còn tép nhỏ vẫn thoát được ra ngoài; việc đánh bắt bằng cách chích điện cũng bị nghiêm cấm, ngư dân đã tự giác thực hiện nên nguồn thủy sản ở Biển Hồ không bị tận diệt. Và đó là lý do tép Biển Hồ đến với người mua vượt trội về độ lớn, nhiều con râu càng dềnh dang chẳng kém tôm đất!
Mang thương hiệu tép Biển Hồ, nhưng kỳ thực con tép còn được khai thác từ đầu nguồn sông Sê San và nhiều hồ lớn bé khác trong tỉnh nên có mặt quanh năm từ chợ đến nhà hàng, giá cả không thay đổi là mấy, khi cần là có. Vì có chung cách đánh bắt, lại chẳng khác về môi trường sinh trưởng nên chất lượng thịt và kích cỡ con tép cũng chẳng khác nhau.
Nói đến tép Biển Hồ, lại nhớ đến mùa đơm tép ngày bé sống ở quê. Mỗi khi cơn mưa đầu mùa trút xuống, người dân hạ nguồn sông Côn lại rủ nhau đơm tép. Cứ theo mực nước mấp máy dâng, có thời điểm tép sông ngược dòng nước mát sát mép doi cát (bên bồi) kiếm ăn từng đàn đông đặc. Những đó tép đặt dọc theo bờ cát, miệng đó ngược dòng nước, chỉ ngập đến 2 phần để hứng lấy đàn tép bơi nổi, được giữ cố định bởi lớp cát ướt mịn hay 2 que tre đặt chéo ngang thân đó. Dưới trời đêm loạng choạng, ta có thể quan sát từng đàn tép ngược dòng. Mép nước lăn tăn như sủi tăm bọt khí, ấy là tép vẫy đuôi tung nước, ấy là từng đàn rẽ nước mấp máy. Trong bóng đêm, ánh lân tinh phát ra từ đôi mắt, vảy thân tép nhấp nhánh sắc màu đẹp vô cùng! Tối một chập thì thu gom sản phẩm, mở đáy đó trút tép vào rổ. Những chú tép nhỏ nhắn, sạch tươm búng nhảy vô hồi tìm lối thoát đến mệt nhoài mới chịu nằm yên ngọ nguậy chân càng.
Thức món chế biến từ tép rất phong phú. Đó có thể là nồi canh tép rau đay, rau mồng tơi, rau tập tàng, lá khổ qua nóng hôi hổi ngon miệng, mát lòng lại giàu dinh dưỡng hay món tép rang ăn kèm bánh tráng nước dừa, bánh tráng mè nướng; tép trộn rau xà lách, rau cần đủ vị chua ngọt, béo thơm đưa cay đưa cơm phải biết!
Nguyễn Đình Phê

Có thể bạn quan tâm