Tết muộn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối tháng Chạp, ngày như ngắn lại, không gian sôi lên bởi bộn bề công việc cuối năm. Đâu đó, vì cuộc mưu sinh mà nhiều người vẫn chưa thể về quê để chuẩn bị cho Tết.
Dừng chân bên bàn cà phê đợi khách dò kết quả xổ số, chọn mua vé số, chị Hà (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) cho biết: “Hàng năm, mãi đến chiều 29 tháng Chạp tôi mới về đến nhà. Cuối Chạp người bán giảm, người mua có phần tăng, lý do là tấm vé Tết bắt mắt, mỗi sê ri (30 tờ) tăng từ 2 lên 3 giải đặc biệt; người nào túi tiền cũng rủng rỉnh nên mua cầu vận may, biết đâu đổi đời”. Nói về câu chuyện “lo Tết” ở gia đình, chị tâm sự: “Chồng tôi làm thợ nề cũng xa nhà, nhưng kết thúc công việc sớm hơn. Có đứa con gái lớn làm việc gần nhà chưa lấy chồng, cùng em trai nó là sinh viên về nghỉ Tết tranh thủ thời gian chỉnh trang cửa nhà, sắm sanh lo Tết. Ở quê ăn Tết tiết kiệm lắm, gà vịt sẵn có, chỉ gửi ít tiền về mua bánh mứt. Riêng nồi bánh tét, chồng tôi và con gái tôi gói được. Nấu trước giao thừa là vớt bánh, kịp cúng ông bà tổ tiên rồi cả nhà sum vầy đón Tết”.
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Tranh thủ thời gian thanh lý mớ đồng nát, tôi bắt chuyện với chị Thanh (cũng ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) thì được biết: “Cuối Chạp hàng đồng nát nhiều hơn, chừng như nhà nào cũng có; người bán lại chẳng so đo giá cả nên cố gắng thôi. Thu nhập tăng gấp đôi gấp ba. Chịu khó đi ngày cũng kiếm được 500 ngàn đồng chứ ngày thường có đâu. Ngày 27 tháng Chạp tất cả các vựa đều đóng cửa, chị em tôi đón xe về quê. Tuy muộn mà có được khoản tiền về lo Tết cũng vui”.
Câu chuyện mà tôi “hóng hớt” trong thời gian “xếp hàng” đợi đến lượt ở hiệu cắt tóc Toàn (117 Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku), nghe mà chạnh lòng: “Tháng Chạp, nếu có ngày 31 thì nghề phục vụ thượng đế làm đẹp mái tóc vào dịp Tết vẫn tất bật. Nhìn người ta dọn quét, trang hoàng nhà cửa; chở hoa, cây cảnh chạy qua đường mà lòng như sôi. Năm nào cũng vậy, đến cận giao thừa mới vãn khách. Lúc đó, vợ chồng cha con mỗi người mỗi việc lo Tết. Riêng tôi ù ra chợ hoa tậu về 2 chậu cúc cũng đủ làm sáng bừng cả gian phòng khách. Tùy gia phong kiệm mà!”.
Nhìn phong cách phục vụ nhịp nhàng của những nhân viên quán cơm gà Hải Nam (73 Hai Bà Trưng, TP. Pleiku) tưởng chừng tâm thế họ không bị ảnh hưởng bởi Tết đang cận kề. Nhưng kỳ thực, qua lời của Tâm (18 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) làm phục vụ ở đây mới hiểu: “Đã đi làm thuê thì phải chấp nhận quy định thời gian làm việc của chủ quán, tuy là người họ hàng với nhau. Xin nghỉ sớm về quê hay ăn Tết ở quê mà không được sự đồng ý của nhà chủ là đồng nghĩa với mất việc. Lao động phổ thông mức lương 3,5 triệu đồng/tháng bao ăn ở đâu phải dễ tìm. Thông cảm năm đầu tiên đi làm xa nhà, cháu được ông chủ “cấp phép” về quê ăn Tết từ ngày 29 tháng Chạp. Đường xa, đặt vé xe muộn, khởi hành từ Pleiku vào đầu chiều nên gần giữa đêm mới về đến nhà. Gia đình thuần nông khó khăn, tuy đồng tiền mang về hơi muộn nhưng đây cũng là niềm vui của cả gia đình”.
Nguyễn Đình

Có thể bạn quan tâm