Tết ở những gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ở những gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động, khi con em không được về đón Tết cùng người thân, họ cũng khá yên lòng bởi công nghệ thông tin đã giúp họ cảm thấy như được gần nhau hơn.

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Hiếu-mẹ chị Lê Thị Thu Hà (Plei Thơ ga B, xã Chư Don, huyện Chư Pưh) đúng vào ngày giáp Tết. Bà đang dọn dẹp nhà cửa để đón chào năm mới. Bà Hiếu cho biết, chị Hà đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út từ tháng 4-2017. “Mặc dù, Tết này con tôi không có mặt ở nhà, nhưng ngày nào cháu cũng gọi điện qua massenger hỏi thăm xem ở nhà chuẩn bị Tết đến đâu. Nhờ vậy mà tôi ở nhà cũng thấy ấm lòng”-bà Hiếu chia sẻ.

 Bà Nguyễn Thị Hiếu (thứ ba từ phải sang) chia sẻ niềm vui khi có con đi Ả Rập Xê Út. Ảnh: Đ.Y
Bà Nguyễn Thị Hiếu (thứ ba từ phải sang) chia sẻ niềm vui khi có con đi Ả Rập Xê Út. Ảnh: Đ.Y



Bà Hiếu nói vui, thời đại công nghệ thông tin, chỉ cần một chiếc điện thoại ở nhà có mạng internet là hàng ngày nói chuyện với con, nhìn thấy con đang làm gì, ở đâu. Trao đổi qua điện thoại, chị Lê Thị Thu Hà tâm sự: “Đây là năm đầu tiên em ăn Tết xa quê. Em cảm thấy hơi buồn nhưng vì tương lai, em sẽ cố gắng. Để vơi bớt nỗi nhớ nhà, em đã chuẩn bị một số nguyên liệu để 3 ngày Tết làm những món ăn truyền thống”.

Còn với gia đình ông Rơ Mah Hai (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah) thì Tết này là cái Tết thứ 4 con trai Rah Lan Piar xa nhà. Lần đi xuất khẩu trước, Piar về nước đúng hạn và được phía Hàn Quốc tiếp nhận trở lại vào tháng 7-2016, làm việc cho một công ty quảng cáo. Trao đổi qua điện thoại, Piar cho hay: “Dù Tết người Hàn Quốc không gói bánh chưng nhưng cách tổ chức Tết của họ cũng như ở Việt Nam nên những người làm việc xa quê như em cũng cảm thấy ấm cúng”.


Dù ngôi nhà nhỏ của bà Hiếu tuy vẫn chưa được sửa sang gì nhiều để đón Tết, nhưng mọi thứ cũng đã được chuẩn bị, đủ đầy hơn. Bà Hiếu cho hay, gia đình bà nghèo lắm, khi con chưa đi xuất khẩu lao động, cứ mỗi dịp Tết đến, bà cũng cố gắng mua được thịt, gói bánh chưng để con cái đón Tết. Năm nay thì khác. Bà Hiếu vui vẻ kể: “Đến thời điểm này, con gái làm việc ở Ả Rập Xê Út tròn 10 tháng. Thu nhập trung bình 9 triệu đồng/tháng, cộng với gia đình thưởng thêm, mỗi tháng cháu gửi về cho gia đình được hơn 10 triệu đồng. Tôi vui lắm! Tiền con gửi về hàng tháng, tôi gửi tiết kiệm để khi cháu về nước mua cho cháu ha đất trồng cà phê, tiêu. Tết này, gia đình tôi cũng bớt lo về kinh tế hơn”.

Còn với gia đình ông Rơ Mah Hai, nhờ Piar liên tục gần 5 năm đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc mà gia đình ông đã làm được căn nhà kiên cố. Ông Hai còn mua đất trồng được 2.500 trụ tiêu, kinh tế gia đình dần dần khấm khá lên. Cứ đều đặn hàng tháng, sau khi trừ chi phí ăn uống, sinh hoạt, Piar gửi về cho bố mẹ ở quê nhà hơn 40 triệu đồng. Ông Rơ Châm Hai phấn khởi tâm sự: “Trước đây, gia đình mình nghèo lắm, 7 bố con làm quần quật quanh năm cũng chỉ đủ ăn thôi, bây giờ có thằng Piar đi xuất khẩu lao động nên gia đình mình đã hết nghèo rồi. 2.500 trụ tiêu năm nay đã cho thu hoạch, dù giá tiêu không còn cao như trước nhưng trồng tiêu vẫn có lời. Tuy người Jrai không ăn Tết truyền thống như người Kinh nhưng năm nay gia đình có điều kiện hơn, mình dự kiến mổ con heo, gói bánh tét mừng Xuân vào ngày mồng Một Tết. Tết năm sau, con hết thời hạn làm việc ở Hàn Quốc, cháu đón Tết ở nhà, mình sẽ tổ chức Tết lớn hơn, vui hơn”.

Ông Trần Thanh Hải-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh: Tính riêng năm 2017, toàn tỉnh có gần 1.400 người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu ở Ả Rập Xê Út, Malaysia, Đài Loàn, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan cũng đón Tết cổ truyền như Việt Nam nên lao động cũng được nghỉ Tết.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm