Phóng sự - Ký sự

Tết trồng cây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Do đặc thù địa lý, khí hậu, nên Tết trồng cây ở tỉnh ta được lồng ghép tổ chức cùng các hoạt động trong Ngày môi trường thế giới 5/6.

Nhưng dù vậy, ý nghĩa của Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động vào mùa Xuân là bất di bất dịch.

Ngày 11/1, cháu tôi khoe rằng, mới được tham gia hoạt động trải nghiệm “Tết trồng cây” ở trường.

Cháu đã cùng các bạn trồng một cây hoa ở sân trường. Cô giáo nói, hôm nay là kỷ niệm ngày Bác Hồ phát động Tết trồng cây. Học sinh trồng hoa cũng như trồng cây, đều để làm cho thiên nhiên đẹp hơn. Cô còn dạy “Mùa Xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân” đấy ạ- cháu háo hức kể.

Nghe cháu líu ríu mà ký ức về những ngày thơ ấu, với Tết trồng cây nơi quê nghèo, sống lại trong tôi.

Từ khi còn ê a học đánh vần ở trường làng, lũ con nít chúng tôi đã được học, đã thuộc lòng “Mùa Xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”.

Và hàng năm, ngay sau Tết Nguyên đán, làng sẽ tổ chức Tết trồng cây. Trước đó, người già đã chọn sẵn một khoảnh đồi, một đoạn đường ra đồng, hoặc một đoạn đường làng; các anh chị thanh niên chuẩn bị sẵn cây giống, phân bón.

Đúng ngày 6 tết, cả làng đi trồng cây!

Đoàn viên thanh niên tỉnh Kon Tum trồng cây xanh. Ảnh: H.L

Đoàn viên thanh niên tỉnh Kon Tum trồng cây xanh. Ảnh: H.L

Trong khi các bác, các chú cựu chiến binh và anh chị thanh niên đào hố; các mẹ, các dì đan nan tre để khi trồng xong làm hàng rào bảo vệ cây, thì trẻ con hò nhau đi rải cây ở các miệng hố mới đào, đem nước uống cho mọi người. Không khí rộn ràng, náo nức lắm.

Từng Tết trồng cây cứ thế nối nhau đi qua. Những khoảnh đồi toàn cát sỏi dần phủ kín màu xanh của cây cối. Những con đường chạy xuyên qua cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay dần rợp bóng phi lao, bạch đàn, thành nơi tránh nắng lý tưởng của đám trẻ chăn trâu.

Tôi còn nhớ, sau mỗi Tết trồng cây của làng, bố tôi đều trở về trồng một cây trong vườn nhà. Không những vậy, ông còn khuyến khích và hỗ trợ chị em tôi tự trồng một cây, và yêu cầu phải chăm sóc cho cây sống, phát triển.

Đến bây giờ, mấy cây bưởi, cây nhãn chị em tôi trồng vẫn còn tỏa bóng mát nơi góc vườn.

Người lớn giải thích rằng, trồng cây sau Tết là vì sau cả một mùa Đông lạnh giá, mùa Xuân đem theo không khí ấm áp, cùng những cơn mưa nhỏ, mưa phùn, cung cấp nguồn đạm tự nhiên, giúp cây cối nhanh chóng bén rễ, đâm chồi, nảy lộc.

Và quan trọng nhất là, Tết trồng cây hàng năm vào đầu mùa Xuân được Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu khởi xướng.

Tôi lớn dần lên, cũng hiểu rõ hơn về Tết trồng cây!

Tư liệu ghi rõ: Ngày 28/11/1959, trên Báo Nhân Dân số 2082, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” và nêu rõ mục đích trước mắt và lâu dài của việc trồng cây.

Ngày 11/1/1960, không khí Tết trồng cây đầu tiên mừng Đảng, mừng Xuân thật sôi nổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Tại nơi đây, Bác đã tự tay cầm xẻng, xúc đất vun cho một cây đa nhỏ.

Từ lời Người dạy, Tết trồng cây đã trở thành một truyền thống tốt đẹp được nhân dân ta gìn giữ qua nhiều đời; trong đó, phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc luôn được toàn Đảng, toàn dân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể.

Và hai câu thơ: “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân” của Người mà chúng tôi thuộc lòng từ ngày còn ê a tập đọc đã thấm sâu vào tâm trí của hàng triệu trái tim người Việt Nam.

Cho nên, trải qua 64 năm, đến nay “Tết trồng cây” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng năm 1960 vẫn giữ nguyên giá trị.

Lan tỏa sâu rộng phong trào trồng cây gây rừng. Ảnh: HL

Lan tỏa sâu rộng phong trào trồng cây gây rừng. Ảnh: HL

Tại tỉnh Kon Tum, Tết trồng cây không diễn ra vào đầu mùa Xuân, mà được lồng ghép với các hoạt động Ngày Môi trường thế giới 5/6.

Sự điều chỉnh này xuất phát từ đặc thù địa lý, khí hậu của tỉnh. Mùa Xuân đến cũng là thời điểm mùa khô, trời nắng, khô, se lạnh, vùng núi có sương giá. Tuy phù hợp với các hoạt động phơi sấy, bảo quản nông sản, nhưng lại không thuận lợi cho việc trồng cây. Bởi thiếu nước, thậm chí khô hạn khiến cây trồng khó sinh trưởng, phát triển.

Dù vậy, ý nghĩa của Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động vào mùa Xuân là bất di bất dịch. Đó là “làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Và phong trào trồng cây gây rừng ở tỉnh ta chưa bao giờ bị sao nhãng, đặc biệt lan tỏa sâu rộng trong những năm gần đây.

Các cấp các ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây; vận động, hỗ trợ nhân dân trồng rừng, trồng cây với phương châm “Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây”.

Hoạt động trồng cây gây rừng còn được gắn với quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, từ đó cải thiện môi trường sinh thái, tạo cảnh quan nông thôn, đô thị ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.

Theo số liệu thống kê, chỉ trong 2 năm 2021, 2022, toàn tỉnh đã trồng mới 10.173ha rừng và 2.426.157 cây phân tán.

Riêng năm 2023 đã trồng mới 4.929,01ha rừng (đạt 123,2% kế hoạch) và 666.863 cây phân tán (đạt 111,37% kế hoạch), góp phần nâng độ che phủ rừng của tỉnh đạt 63,12%.

Sau rất nhiều năm, kể từ khi vào Kon Tum lập nghiệp, tôi không nhớ mình đã dự bao nhiêu Tết trồng cây. Chỉ nhớ rằng, qua mỗi Tết trồng cây, lại càng nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình.

Cháu tôi có thắc mắc rằng, sao ở nơi mình ở không tổ chức Tết trồng cây vào mùa Xuân? Tôi đã rất cố gắng giải thích lý do bằng cách dễ hiểu nhất; kể cho cháu nghe về những Tết trồng cây mình đã dự.

Và cuối cùng, tôi hứa nếu điều kiện cho phép, sẽ dẫn cu cậu đi dự một Tết trồng cây của “người lớn”!

Có thể bạn quan tâm