Thời sự - Bình luận

Thả voi về rừng xanh càng cần giữ được rừng cho voi sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tổ chức Động vật châu Á đang cùng với Vườn Quốc gia Yok Đôn và nhiều đơn vị khác phối hợp, giúp nhiều cá thể voi nhà tại Đắk Lắk thoát khỏi cảnh "xiềng xích", trở lại rừng xanh .
Voi Pai Lin đã chở khách du lịch liên tục suốt 25 năm, nó sẽ phải sống chung với dị tật về cột sống đến hết đời. Ảnh: WFFT
Voi Pai Lin đã chở khách du lịch liên tục suốt 25 năm, nó sẽ phải sống chung với dị tật về cột sống đến hết đời. Ảnh: WFFT

Con voi được thả vào rừng, tự do tìm kiếm thức ăn, tự do sinh hoạt không phải bị cưỡng bức cõng du khách. Du khách vào rừng, xem voi, gọi là du lịch thân thiện.

Du khách mất đi cảm giác thích thú khi được cưỡi voi, nhưng đổi lại là có hành động văn minh, không hành hạ động vật, tham quan du lịch thân thiện với môi trường thiên nhiên. Đó cũng là một sự trải nghiệm mới, đâu cần phải ngồi trên lưng voi mới là người sành điệu.

Có khi, bày tỏ thái độ tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, ứng xử "lịch sự" với vạn vật, mới là sự "sành điệu" của con người tiến bộ. Nhân loại đang đối mặt với nhiều thảm họa thiên nhiên, mà nguyên nhân là do mất cân bằng sinh thái, và sự mất cân bằng đó chủ yếu do con người gây ra. Khi nhận thức được điều đó, con người phải có trách nhiệm xử lý hậu quả, điều chỉnh hành vi, thái độ ứng xử với thiên nhiên.

Không chỉ riêng Việt Nam mà mọi quốc gia trên thế giới đều phải chung tay ngăn chặn mọi sự tấn công, bức tử động vật hoang dã. Cho nên, hoạt động thả voi về với rừng xanh của Đắk Lắk rất được cộng đồng quốc tế ghi nhận, các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã đồng tình ủng hộ. Hội nhập với thế giới văn minh không chỉ là các hoạt động kinh tế, văn hóa, mà còn là chung tay bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Ngoài voi, còn nhiều động vật khác cần môi trường sống thiên nhiên, ví dụ như cần phải triển khai các dự án thả gấu nuôi, hổ nuôi vào rừng, trả lại cuộc sống hoang dã tự do cho chúng. Biết bao nhiêu con hổ "Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già. Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi. Với khi thét khúc trường ca dữ dội" (Nhớ rừng - Thế Lữ), đang chờ con người trả tự do.

Nhưng muốn thả những đàn gấu, đàn hổ về với rừng xanh không đơn giản, động vật nuôi cần một quá trình tự thích nghi với môi trường hoang dã. Quá trình đó phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia, và quan trọng là có môi trường thiên nhiên, những sinh cảnh phù hợp.

Dù sinh cảnh cho loài nào thì quan trọng nhất vẫn là giữ được rừng xanh. Nếu để cho rừng bị phá hoại, mất dần, thì ngay chính những con thú đang sống ở trong rừng cũng không có đất để sống.

Có thể bạn quan tâm