Những ngày qua, Trung Quốc tăng mua gạo Việt Nam. Một thị trường lương thực lớn như Trung Quốc mà tăng mua gạo của ta là điều đáng suy nghĩ.
Và nữa, nhiều người ở khắp các nước đổ về các cửa hàng, siêu thị "hốt" sạch mọi loại thực phẩm, để lại quầy kệ trống trơn giữa dịch COVID-19... Chứng kiến những điều này mới thấy vai trò rất quan trọng của an ninh lương thực.
Tại hội nghị mới đây về an ninh lương thực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc "không có lương thực là trả giá, đừng có coi thường hay chủ quan", nhất là trong bối cảnh an ninh lương thực của Việt Nam hiện chỉ xếp 55/113 quốc gia.
Cha ông cũng đã rút ruột dặn dò: phi nông bất ổn. Ngay cả khi Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với hơn 6 triệu tấn/năm, thu về hàng tỉ ngoại tệ, việc phải có đủ nguồn cung lương thực cùng một hệ thống phân phối đảm bảo vận hành thông suốt, đáp ứng bất kể lúc nào trong tình hình đại dịch COVID-19 lan tràn khắp thế giới hiện nay càng trở nên cấp thiết.
Việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài, áp lực hội nhập quốc tế, bảo hộ mậu dịch gia tăng đã khiến an ninh lương thực không đơn thuần chỉ là đảm bảo kinh tế mà còn là đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo nguồn cung cũng như khả năng tiếp cận của người dân về vấn đề lương thực trong mọi tình huống.
Đó chính là lý do để người đứng đầu Chính phủ thừa nhận "sẽ có sai lầm trong chỉ đạo" nếu để nguồn cung lương thực bị hụt đi cục bộ, hệ thống phân phối bị "nghẽn mạch", Nhà nước giữ vai trò điều tiết thị trường nhưng lại đứng ngoài cuộc.
Tự cường lương nông để giữ vững an ninh lương thực trong mọi tình huống ngày càng trở nên khó khăn hơn khi tốc độ đô thị hóa vẫn tăng chóng mặt, thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất cho sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa quy mô lớn chưa được tháo gỡ quyết liệt. Năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp.
Tổn thất sau thu hoạch còn cao vì ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vẫn "xa lạ". Chưa kể chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho nông dân chưa đủ mạnh, nên họ có xu hướng giữ ruộng làm vật bảo hiểm mặc dù đã ngừng canh tác, hoặc cho thuê ruộng ngắn hạn phi chính thức...
Tuy nhiên, đảm bảo an ninh lương thực ngày nay không thể chỉ xoay quanh việc làm lúa bao nhiêu, diện tích chừng nào là vừa, năng suất tới đâu là đạt kỳ vọng, dù điều này là cần, nhưng thật sự chưa đủ.
Đã đến lúc cần hướng an ninh lương thực gần hơn với việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát huy hiệu quả của nông nghiệp nhiệt đới theo thế mạnh của từng vùng, mở rộng cho nhiều sản phẩm lương thực, thực phẩm khác có giá trị cùng phát triển.
Ở đó, các loại gạo "xịn" cỡ ST25 sẽ xuất hiện nhiều hơn nhờ chất lượng giống liên tục được cải tiến, lai tạo mới. Sản xuất nông nghiệp và lương thực dần theo sát tín hiệu thị trường để tránh cảnh trúng mùa mất giá triền miên.
Thương hiệu riêng của từng loại thực phẩm được chú trọng xây dựng, cùng với nó là một hệ thống phân phối liên thông, vững chắc theo quy trình sản xuất chuỗi mà thế giới đang ứng dụng.
Có vậy, mục tiêu kéo khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn hẹp hơn nữa so với mức 1,8 lần như hiện nay mà Chính phủ hướng đến mới sớm thành hiện thực, và lời Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường hứa nâng gấp đôi thu nhập cho nông dân mới thành hiện thực.
Theo TRẦN VŨ NGHI (TTO)