Dịp kỷ niệm 1050 năm ngày vua Đinh đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, tôi về lại Kinh đô Hoa Lư để cảm thức thêm ngữ nghĩa chữ Cồ trong Đại Cồ Việt…
Tại sao Đại Cồ Việt?
Quốc hiệu Đại Cồ Việt do vua Đinh Tiên Hoàng đặt năm 968 sau công nguyên (SCN). Đại Cồ Việt là quốc hiệu đầu tiên, được dùng trong 8 đời vua của 3 triều Đinh, Tiền Lê, Lý, với quãng thời gian 86 năm (từ 968 - 1054). Mãi đến năm Giáp Ngọ, (1054), vua Lý Thái Tông mới đặt lại quốc hiệu là Đại Việt.
Đền Vua Đinh. |
Đại và Việt trong cụm từ Đại Cồ Việt ai cũng tường rồi. Thế còn Cồ? Có thể nói, dằng dặc dai dẳng từ thuở vua Đinh tuyên bố quốc hiệu cho đến tận thời điểm này đã 1050 năm, tốn không biết bao là thời gian lẫn giấy mực để các hạng học giả luận bàn mà vẫn chưa tỏ tường dứt khoát một chữ Cồ ấy!
Tất nhiên, lương dân Việt các thế hệ suốt chiều đài lịch sử chẵn 1050 năm nay đều lãnh hội đầy đủ ngữ nghĩa của Đại Cồ Việt là quốc gia Đại Việt to lớn, hùng cường. Thế nhưng oái oăm, sao đã Đại lại còn Cồ? Cồ là gì? Người viết bài này tự xét thiển học thô lậu và cũng không phải chức phận để can dự lẫn lạm bàn. Trong phạm vi bài báo này chỉ lẩy ra vài cảm thức qua việc chiêm quan cố đô Hoa Lư rằng tại sao Đức hoàng đế họ Đinh lại buông chữ Cồ trong quốc hiệu một cách đĩnh đạc, thoải mái vậy?
Được may mắn ngồi suốt một ngày với các bậc thức giả trong một hội thảo khoa học về tên quốc hiệu Đại Cồ Việt. Thú thực khi chưa nghe tình hình thì rất hoang mang. Nhưng khi được nghe thì càng… hoang mang tợn! Bởi các học giả với sở học kiến thức uyên bác, ngoài việc trình bày quan điểm của mình còn dẫn ra trong hội thảo luận cứ của nhiều nhà nghiên cứu danh giá cổ kim đã khuất. Tất thảy đều khẳng định âm CỒ trong cụm từ tiếng Hán Đại Cồ Việt đều không có trong từ điển tiếng Hán! Mà tự dạng của chữ CỒ (chữ Hán) trong Đại Cồ Việt chỉ được khuôn theo 5 âm: CỐ, CẦU, CÙ, CỰC, CỦ. Lại có 18 cách dịch khác nhau về chữ này thì mới kinh!
Để rành rẽ việc phân tách CỒ là gì trong Đại Cồ Việt xem chừng tắc tị, các học giả lại nghiêng sang CỒ là chữ Nôm? Luận điểm coi CỒ trong ĐẠI CỒ VIỆT như một từ cổ được hình thành từ cảm thức tiếng Việt hiện đại. Họ viện dẫn đến Keith Weller Taylor (GS Khoa nghiên cứu Á Châu thuộc Cornell University với nhận xét: “đại cồ” là một dạng ghép “phản ánh sự phát triển sáng tạo của ngôn ngữ bản địa khi nó được sử dụng cho vấn đề chính trị trong giai đoạn tự chủ mới như thời vua Đinh chẳng hạn” Trong tiếng Việt vẫn tồn tại cụm từ kép đại cồ lồ để chỉ sự to lớn. Rồi hai câu thơ “Nước xưng ĐẠI CỒ nối trời, xây thành lập lũy trong ngoài sửa sang” (câu 4102 và câu 4103) trong sách Thiên Nam ngữ lục. Rằng hiện tượng từ Nôm được dùng như là một thành phần của một ngữ danh từ tiếng Hán như Đại Cồ Việt không phải là không có. Theo một nghiên cứu (của TS Nguyễn Thị Trang) thì trong số 4.000 vị thần nước Nam thì có khoảng 10% tên các vị có yếu tố Nôm và Hán.
Ngay trong dân gian cũng có câu thành ngữ “Lù khù có ông Cù độ mạng” hay “Lù đù có ông Cù hộ mạng”. Từ điển thành ngữ tục ngữ ca dao Việt Nam của Việt Chương chua rằng: “ông Cù: ông Bụt, hay ông Phật. Vậy chữ “CỒ” trong quốc hiệu đầu tiên của nước ta rất có thể đã được đọc bằng âm CỒ với nghĩa nhắc đến Bụt đến Phật để chỉ sự to lớn may mắn, hanh thông?
Và có vẻ như quan điểm của các học giả đang cố hướng đến một từ đã từng được thuần Việt mang hơi hướng tôn giáo (Phật giáo) cách đây hơn ngàn năm để giải mã chữ Cồ? Thời vua Đinh, Phật giáo vốn thịnh hành được coi là quốc giáo.
Đĩnh đạc dung dị với Cồ Việt?
Đại Cồ Việt, Cồ Việt. Liễn đối Vạn thắng oai hùng-Thủ bút của Xuân Ba. |
Đặc thù nhất triều đại vua Đinh và vua Lê có nhị vị cố vấn là hai Quốc sư Pháp Thuận và Khuông Việt Ngô Chân Lưu. Đó là 2 tăng thống đầu tiên của nước Việt. Nhị vị ấy vừa là thầy của vua, vừa là cố vấn. Có quyền nắm giữ những vị trí chủ chốt nhất, thực hiện những hành vi chính trị quan trọng nhất (như việc tiếp sứ, cố vấn chính trị). Và hơn hết, Tăng thống cùng tăng quan chính là người nắm giữ đời sống tinh thần và kiến trúc thượng tầng của toàn xã hội.
Khi đặt quốc hiệu, vua Đinh chắc đã tham khảo ý kiến của các Quốc sư? Và từ Cồ thuần Việt mang hơi hướng Phật giáo khi đó đương thịnh hành vua Đinh lẫn nhị vị cố vấn ấy đâu có ý gì đánh đố dân Việt đương thời lẫn hậu thế?
Công huân dựng nước giữ nước của vua Đinh nối tiếp là vua Lê Đại Hành cùng vai trò của Thái hậu Dương Vân Nga dường như là minh chứng cho sự to lớn hùng cường hanh thông của cụm từ quốc hiệu Đại Cồ Việt. Khắt khe như sử thần Ngô Sĩ Liên mà cũng phải tấm tắc cỡ như Hán Đường cũng không hơn được!
Mối tình đẹp như huyền thoại giữa Dương Vân Nga và Lê Hoàn cùng quyết định sáng suốt của bà đã cứu Đại Cồ Việt khỏi nạn binh lửa nội xâm và ngoại xâm đã khiến dân mình tự tin đĩnh đạc lập đền thờ các vua Đinh Lê trên nền tảng cung điện Hoa Lư. Và điều vô tiền khoáng hậu nhất là dân đã không quên bà Dương hậu lại tôn vinh bằng cách tự hợp hai vua, tô tượng hai vua ngồi chung một toà và đặt Dương hậu ở giữa. Mặc cho các nhà Nho sau này lườm nguýt chê bai! Một giai thoại đẹp, lạ ở xứ Hoa Lư còn kể về mối tình thời trẻ giữa Lê Hoàn và Dương Thị. Dân gian cảm thông, biện minh cho quan hệ của hai người sau này trong cung đình nên đã hợp pháp hoá cho mối tình của họ từ tuổi thanh xuân, để đến khi vào cung, việc họ làm chỉ là “nối lại tình xưa”, làm giảm nhẹ tình tiết mà các nhà nho gọi là Lê Hoàn đã “lấy mẹ góa, hiếp con côi”. Lại nghe thêm một câu sấm Nín đi thôi, nín đi thôi! Một vai gánh vác cả đôi sơn hà. Chắc dân gian đã làm cái việc nối thêm giai thoại khi Dương Vân Nga mới sinh thường hay khóc dạ đề. Một hôm có người đạo sĩ đi qua, ông đọc hai câu thơ ấy khiến cô bé nín bặt. Câu sấm để tiên tri để ứng ứng nghiệm vào việc bà lấy Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Câu sấm ấy cũng là cái cách cải chính một cách duyên dáng thuyết phục cái thuyết vớ vẩn rằng bà là hoàng hậu những ba triều. Rằng trước khi lấy Đinh Tiên Hoàng, bà đã lấy Hậu Ngô vương Ngô Xương Văn và sinh ra Ngô Nhật Khánh.
Nhan sắc Dương Vân Nga đẹp cỡ nào? Sử chẳng chép nhưng đã có dân gian chứng. Trong cuốn sử thi “Hoàn Vương ca tích” chép thế này “Môi son rừng rực, mặt hoa rờn rờn/ Mắt kia sao mọc cờn cờn/ Cổ kia đã trắng lại tròn hân hân”. Trước khi rời nội cung Đền Vua Lê phải cố để dứt mắt khỏi bức tượng Dương Vân Nga với khuôn mặt không hiểu sao được tô hồng? Thời điêu khắc ấy (thế kỷ XVII) không có bức tượng nữ nào được tô hồng vậy cả?
Du khách Việt hẳn ngạc nhiên về Long sàng vua Đinh bằng đá xanh khổ 1,8mx 1,4 tại đền Vua Đinh. Long sàng, giường nằm của vua là linh thiêng, tất nhiên, nhưng sao thế kia? Đậu chi chít trên mặt long sàng và thành ngoài các họa tiết những là đường kỷ hà, nào rồng nào phượng, nào tứ linh còn có cả những cầy cáo chuột chim cua cá tầm thường, tiện dân vờn múa hài hòa ngó rất mắt với loài cao quý long ly quy phượng. Không phải là những đường nét tài hoa táo bạo ngẫu hứng của những người thợ mà cứ như một thông điệp dung dị, dân chủ? Rồi tấm bia quý niên đại Chính Hòa (năm 1696) dựng trong chính tẩm chép lại công tích nhà vua cùng triều chính mới lạ và độc đáo làm sao. Trán bia thì chạm nổi những mặt trời cùng đôi phượng chầu hoa lá. Nhưng chân bia lại sinh sắc với hình ảnh lũ chuột đang rình bầy cua rất sống động.
Đến Đền Trần ở thung Thắm gần Đền Vua Đinh, du khách phải sững sờ khi chứng kiến bầy cá rô với kích cỡ bằng thật sống động đậu trên các cột của Đền. Chao ôi, cá rô Tổng Trường, đặc sản của cố đô Hoa Lư nổi tiếng đấy! Con cá rô dân dã thịt dai ngọt béo của đất Trường Yên sinh sắc trong đời sống và ca dao trên ngàn năm nay Dập dìu tài tử giai nhân/ Xem thuyền vua Lý đang rời kinh đô/ Khi đi nhớ cậu cùng cô/ Khi về lại nhớ cá rô Tổng Trường. Tài hoa điêu khắc của Đại Việt, đã đành, nhưng được chiêm quan con cá rô Tổng Trường sống động với kích cỡ thật bằng gỗ bằng đá đậu trên cột đền thiêng xứ cố đô Hoa Lư thì có lẽ chỉ có một dưới gầm trời Nam này?
Chữ nghĩa nơi thờ tự Vua tất nhiên phải nghiêm cẩn. Thường phải cỡ đỗ đạt chức tước mới được dâng. Nhưng ở Đền Vua Đinh như phá cái lệ ấy? Miễn hay là được? Trong muôn hồng ngàn tía của những câu sơn son thếp vàng, tôi chép được một liễn đối khá chi là hàm súc.
Vạn thắng oai hùng Cồ Việt cơ khai chính thống thủy
Thiên thư phân định Hoa Lư vận khởi thánh nhân sinh
(Vạn thắng - Vạn thắng vương hiệu của Đinh Bộ Lĩnh- oai hùng mở ra nền chính thống nước Đại Cồ Việt. Sách trời phân định đất Hoa Lư sinh bậc thánh nhân).
Của ai vậy? May dò đọc dòng lạc khoản. Đó là một ông lão của đất Trường Yên đây. Tên là Nguyễn Đại Đồng cùng con trai là chánh hội Nguyễn Phú Cường cúng tiến vào dịp mùa xuân năm Đinh Mão niên hiệu Bảo Đại (xem thủ bút liễn đối trong bài).
Luôn bắt mắt với sự nghiêm cẩn, oai phong, đĩnh đạc nhưng vẫn toát yếu sự dung dị thân gần- âm hưởng chủ đạo của việc bày đặt xây cất của đất thiêng lành cố đô Hoa Lư. Và cũng là thông điệp chẵn 1050 năm của Quốc hiệu Đại Cồ Việt.
Còn gì đậm Việt và thuần Việt hơn khi du khách vào Đền vua Đinh ngẩng lên đã rờ rỡ bốn chữ Bắc môn tỏa thược. Tất nhiên vẫn hàm ngữ nghĩa là đóng chặt cửa Bắc để tránh gió bấc, nhưng ngầm chứa một nghĩa, một thông điệp cảnh báo sâu hút tới ngàn năm: Đề phòng giặc phương Bắc! |
Xuân Ba/tienphong